Đặt câu hỏi

 

Các hỏi thường gặp

Đau thắt ngực có phải bệnh mạch vành?

Bởi: Nguyễn Quang Lê (Email: **nq@yahoo.com.vn | Điện thoại: 0989364*)
Thời gian gần đây tôi thường bị đau thắt ngực. Không biết có nguy hiểm không? Có phải tôi đang bị một loại bệnh gì đó về tim hay không? Tôi có nghe nói đến bệnh mạch vành có liên quan đến cơn đau thắt ngực. Xin bác sĩ nói rõ về bệnh mạch vành và các triệu chứng của bệnh.

Bệnh tim mạch vành là tên gọi cho một số bệnh tim do mạch máu vành tim bị nghẽn đưa đến tình trạng cơ tim bị thiếu dưỡng khí. Về nguyên tắc, tim chúng ta hoạt động giống như một cái bơm để bơm máu, đưa máu tới khắp các mô cơ quan trong cơ thể. Để đảm bảo được chức năng bơm máu một cách đều đặn khoảng 70-80 lần / phút trong suốt cuộc đời, tim phải có một cấu tạo đặc biệt và được nuôi dưỡng bởi một hệ thống mạch máu riêng. Hệ thống mạch máu này được gọi là hệ mạch vành.

 

Bệnh mạch vành thường liên quan đến tình trạng tắt nghẽn trong lòng mạch vành hoặc do co thắt mạch vành. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng xơ vữa động mạch làm cho các tế bào mỡ tích tụ ở thành trong của động mạch, dẫn đến thành mạch máu dày lên. Sự dày lên dần dần của các mảng xơ vữa này làm hẹp lòng mạch máu và đưa đến sự giảm lưu lượng máu đến nuôi cơ tim, gọi là thiếu máu cơ tim. Mảng xơ vữa ở thành mạch máu làm viêm mạch máu, rất dễ bị nứt hay vỡ ra làm tiểu cầu tích tụ và hình thành cục máu đông. Cục máu đông có thể làm nghẽn lòng mạch tại chỗ hoặc di chuyển đến những đoạn đã hẹp sẵn làm tắt nghẽn thình lình một đoạn động mạch vành gây ra nhồi máu cơ tim

 

Sự thiếu máu nuôi cơ tim sẽ gây nên bệnh đau ngực. Cơn đau thắt ngực thường xuất hiện ở vùng sau xương ức hay vùng trước tim. Bệnh nhân có cảm giác bị đè nặng và có một sức ép lan lên cổ, vai trái và xuống cánh tay, kéo dài khoảng 2-5 phút. Tùy theo độ nghẽn của mạch vành, người bệnh có thể có nhiều triệu chứng khác nhau như đau thắt ngực và nguy hiểm hơn là nhồi máu cơ tim, có thể gây tử vong. Đôi khi người mắc bệnh mạch vành có thể không có triệu chứng gì, chỉ tình cờ được phát hiện khi đo điện tâm đồ. Một số trường hợp có triệu chứng đau ngực và có bệnh mạch vành nhưng đo điện tâm đồ hoàn toàn bình thường, khi đó cần làm thêm một số biện pháp khác như đo điện tâm đồ gắng sức để chẩn đoán.

 

Bệnh thường gặp ở những người cao huyết áp, cholesterol cao, đái tháo đường, có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm. Béo phì cũng là một trong những nguyên nhân được nhắc đến. Hút thuốc, ít hoạt động thể lực và stress cũng đóng vai trò quan trọng trong sự tiến triển của xơ vữa động mạch.

 

Để giảm nguy cơ bị bệnh mạch vành bạn nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, tích cực điều trị bệnh cao huyết áp và tiểu đường, để luôn luôn giữ huyết áp và lượng đường trong máu ở mức độ bình thường, nên ăn ít chất béo và ăn nhiều rau, trái cây mỗi ngày. Luôn luôn tham khảo với bác sĩ nếu bị đau ngực hay có những triệu chứng nghi ngờ. Nhưng tốt hơn hết là chúng ta nên bắt đầu ngay từ lúc chưa mắc bệnh mạch vành với một cuộc sống điều độ, tập thể dục, chơi thể thao, không hút thuốc, chế độ ăn kiêng mỡ, tránh ăn mặn… để giảm áp lực cho tim và có một trái tim luôn khỏe mạnh.

Bệnh huyết áp cao ảnh hưởng như thế nào đến bệnh tim ạ?

Bởi: Văn Hùng (Email: **ngdt@gmail.com | Điện thoại: *)
Bệnh huyết áp cao ảnh hưởng như thế nào đến bệnh tim ạ?

Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch phổ biến nhất trong cộng đồng. Một số bệnh nhân có thể có các biểu hiện lâm sàng như đau đầu, chóng mặt, ù tai, mắt hơi mờ... nhưng rất nhiều bệnh nhân tăng huyết áp trong một thời gian dài lại không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt làm cho người bệnh tưởng là mình vẫn bình thường. Nhưng trên thực tế bệnh tăng huyết áp lại gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau, nhưng những biến chứng đó lại diễn biến khá thầm lặng và ngày một nặng dần, thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh.

Những biến chứng thường gặp nhất do tăng huyết áp gây nên là những biến chứng ở tim, mắt, não, thận và các mạch máu lớn.

Đối với tim, tăng huyết áp thường gây ra các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim

Đối với thận, tăng huyết áp thường gây ra có protein trong nước tiểu, suy thận

Đối với mắt, tăng huyết áp thường gây ra tổn thương đáy mắt với bốn giai đoạn khác nhau,  gây ra xuất tiết, xuất huyết, phù gai mắt... thậm chí có thể gây mù lòa cho người bệnh

Đặc biệt, tăng huyết áp rất hay gây ra các biến chứng đối với não. Đó là tình trạng nhũn não hoặc chảy máu não, tai biến mạch não thoảng qua. Các triệu chứng có thể là nhẹ như đau đầu, loạng choạng, nói hơi ngọng, méo miệng, sụp mi... hoặc nặng hơn như liệt nửa người, bán mê, hôn mê sâu...

Gần đây, chúng ta cũng gặp rất nhiều các biến chứng về mạch máu lớn do tăng huyết áp gây nên như phình, hoặc phình tách thành động mạch chủ, một biến chứng rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được xử lý kịp thời.

Vì vậy tốt nhất nếu đã bị tăng huyết áp thì nên điều chỉnh ngay lối sống hợp lý và sử dụng lâu dài các loại thuốc hạ áp theo đúng như hướng dân của các thầy thuốc để có thể đạt được huyết áp mục tiêu (HA dưới 140/90mmHg) và hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra với người bệnh.

Chế độ ăn uống để bảo vệ tim mạch như thế nào?

Bởi: Nguyễn Thị Hậu (Email: **unguyenthi@yahoo.com | Điện thoại: 098867856*)
Xin chào bác sĩ, đối với phụ nữ bước sang độ tuổi ngoài 50 thì cần có chế độ ăn như thế nào để bảo vệ tim mạch, giảm thiểu được các bệnh về tăng cholesterol. Cảm ơn bác sĩ.

Với phụ nữ ngoài 50 tuổi thì do tình trạng sụt giảm về các nội tiết tố nên người bệnh thường có rất nhiều biểu hiện khó chịu như người lúc nóng lúc lạnh, da dẻ không còn mịn màng nữa, hay có cảm giác bốc hỏa, nhịp tim nhanh, đau mỏi xương khớp... Đây là hiện tượng sinh lý bình thường thường gặp ở những phụ nữ trong lứa tuổi này vì vậy chị không nên quá lo lắng. Tốt nhất chị nên điều chỉnh lại chế độ làm việc, tăng cường tập thở và tập đi bộ nhẹ nhàng hàng ngày. Chị nên hạn chế ăn mặn, tránh ăn mỡ động vật và các thực phẩm có nhiều axit béo bão hòa, nhiều cholesterol.... mà nên ăn thay bằng các loại dầu thực vật. Ngoài ra, rất cần tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả  tươi trong khẩu phần ăn hàng ngày. Có thể dùng thêm một số loại vitamin và các yếu tố vi lượng khác. Chị cũng nên chú ý giai đoạn này thường có kết hợp với hiện tượng loãng xương nên trong khẩu phần ăn uống cũng cần có các chất khoáng cần thiết. 

Đẫ đặt stent thì sao bao lâu phải đặt lại?

Bởi: Nguyễn Văn Cầu (Email: **uyenvancau@gmail.com | Điện thoại: 097977654*)
Xin hỏi đối với người đã đặt Stent thì sau bao nhiêu năm sẽ phải đặt lại và việc chơi thể thao như tennis có tốt cho sức khoẻ không? Việc sử dụng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu trong bao lâu thì dừng lại?

Sau khi đã đặt Stent động mạch vành thì người bệnh bắt buộc phải sử dụng liệu pháp kháng tiểu cầu kép (Aspirin và Clopidogrel) để chống lại hiện tượng tái hẹp trong Stent. Về nguyên tắc, với các loại Stent có phủ thuốc thì thuốc Clopidogrel phải dùng ít nhất là 12 tháng còn Aspirin thì cần dùng lâu dài (nếu như không có các chống chỉ định của thuốc). 

Sau khi đã bị nhồi máu cơ tim, mặc dù đã được đặt Stent nhưng thường chức năng của tim vẫn bị suy giảm với những mức độ khác nhau vì vậy việc tập thở, tập đi lại nhẹ nhàng hàng ngày là hết sức cần thiết đối với người bệnh. Nhưng những hoạt động thể thao quá mạnh như chơi tennis thì thường không có lợi cho hệ tim mạch.

Tim bị loạn nhịp là bệnh gì?

Bởi: Hương (Email: **ongnguyen@yahoo.com.vn | Điện thoại: *)
Thỉnh thoảng tôi lại bị tim đập loạn khoảng chừng 10-15 giây. Tôi khống chế bằng cách hít vào thật sâu rồi thở ra trong chốc lát thì tim lại bình thường rồi lâu lâu lại trở lại. Xin hỏi bác sĩ đây là hiện tượng gì và cách khắc phục.

Trường hợp của anh là có rối loạn nhịp tim thoảng qua. Để khẳng định đây là rối loạn nhịp gì thì thường phải ghi điện tâm đồ trong lúc bị rối loạn nhịp thì mới xác định được chính xác loại rối loạn nhịp đó, ví dụ là ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất, cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, cơn rung nhĩ nhanh thoảng qua... Tốt nhất anh nên đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám toàn diện và nhất là ghi Holter điện tâm đồ 24 giờ để có  thể xác định chính xác hình thái rối loạn nhịp tim của mình và từ đó có thể phương thức điều trị thích hợp nhất cho mình.

Đã đặt stent mạch vành có cần phải đi kiểm tra không?

Bởi: Trần Văn Hùng (Email: **ngtaotau@gmail.com | Điện thoại: *)
Thưa giáo sư, tôi đã đặt 1 stent cho động mạch vành cách đây 2 năm, từ đó tới nay tôi vẫn dùng thuốc và khám định kỳ tại viện tim Hà Nội và BV Bạch Mai. Cho tôi hỏi tôi có phải đi chụp kiểm tra không? Xin cảm ơn giáo sư!

Sau khi đã được nong và đặt Stent động mạch vành thì người bệnh vẫn cần thiết có khám định kỳ và làm 1 số xét nghiệm thường quy theo chỉ định của bác sỹ để biết được tình trạng của bệnh cũng như 1 số biến chứng có thể xảy ra, từ đó thầy thuốc mới có hướng điều trị kịp thời cho mình. Nói chung, các thầy thuốc thường chỉ chỉ định chụp lại động mạch vành khi bệnh nhân có biểu hiện đau tức ngực, khó thở khi gắng sức hoặc qua 1 số thăm dò thấy có biểu hiện của hẹp tắc Stent hay hẹp tắc những vị trí động mạch vành khác.

Triệu chứng suy tim như thế nào?

Bởi: Ngọc Hà (Email: **ngocha@yahoo.com.vn | Điện thoại: *)
Tôi là nữ, 59 tuổi. Huyết áp thường xuyên của tôi là 130/ 80. Cao 1m52, nặng 56kg . Ba mẹ tôi đều bị huyết áp cao. Nhưng gần đây tôi bị hiện tượng choáng váng và khi đo thì huyết áp là 130/60. Tôi có uống nước đường nóng nhưng không thấy bớt Xin hỏi Bác sĩ: 1/ Đây là hiện tượng gì? Có phải triệu chứng suy tim không? 2/ Nên đối phó tức thời bằng cách nào ngoài việc nằm nghỉ? 3/ Có cách nào phòng tránh? Xin cám ơn Bác sĩ

Hiện tượng choáng váng có thể xảy ra nhất thời hoặc thường xuyên. Choáng váng là triệu chứng có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau như tụt huyết áp hoặc ngược lại khi huyết áp quá cao, thiếu máu, hạ đường huyết, hẹp động mạch cảnh, tai biến mạch não thoáng qua, một số các rối loạn nhịp tim, v.v.nên ko có cơ sở rõ ràng để tôi có thể khẳng định được tình trạng bệnh tình của chị.

Vì vậy, chị nên đến bệnh viện để các bác sỹ khám lâm sàng và làm 1 số thăm dò cần thiết để xác định xem nguyên nhân choáng váng của chị là gì.

Nhịp tim chậm có nguy hiểm không?

Bởi: Hoài (Email: **ailephuong@yahoo.com | Điện thoại: 0989076***)
Xin Giáo sư cho biết nhịp tim chậm là gì, có nguy hiểm không, phương pháp điều trị ra sao, chế độ dinh dưỡng như thế nào là hợp lý?

 

Nhịp tim của người bình thường trong khoảng từ 60 đến 70 chu kỳ/phút. Nếu nhịp tim dưới 50 chu kỳ/phút thường là nhịp tim chậm. Nhưng nguy hiểm nhất là những trường hợp nhịp tim quá chậm (dưới 40 chu kỳ/phút) thì không tưới máu đủ cho tất cả các tạng trong cơ thể nhất là gây ra tình trạng thiếu máu não làm cho bệnh nhân có thể bị ngất xỉu. Trong những trường hợp này các thầy thuốc phải dùng những thuốc để làm tăng nhịp tim của người bệnh hoặc phải đặt máy tạo nhịp tạm thời hoặc vĩnh viễn để điều trị cho các trường hợp đó. 

Làm gì để hạn chế bị tái phát nhồi máu cơ tim trở lại?

Bởi: Nguyễn Thị Hà (Email: **uyenha@gmail.com | Điện thoại: 098766783*)
Xin chào các chuyên gia, tôi bị bệnh thiếu máu cơ tim đã gần 1 năm nay, cách đây 2 tháng tôi lên cơn nhồi máu cơ tim, may mắn được cấp cứu kịp thời và đã phải đặt 1 stent trong động mạch. Hiện nay sức khỏe của tôi khá ổn định, nhưng tình trạng bệnh của tôi mới được kiểm soát chứ chưa khỏi hẳn. Tôi rất lo lắng sẽ lại tái phát nhồi máu cơ tim lần nữa. Xin các chuyên gia giúp tôi.

Trước hết xin cảm ơn bác gửi câu hỏi đến chương trình. Với tình trạng của bệnh, xin được trả lời như sau:

Nhồi máu cơ tim là một biến chứng vô cùng nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao. Những người có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch biến chứng nhồi máu cơ tim là người mắc bệnh tiểu đường, béo phì, cao huyết áp, hút thuốc lá… Thông thường nhồi máu cơ tim là biến chứng của các bệnh tim mạch vành (thiếu máu cục bộ cơ tim), hở van tim, hẹp động mạch…

Trường hợp của bác rất may mắn khi đã được cấp cứu kịp thời. Điều bác lo lắng là không sai khi trên thực tế rất nhiều bệnh nhân bị tái phát khi đã đặt stent. Bác có thể thực hiện một số phương pháp sau :

- Ăn uống điều độ, khoa học, hạn chế ăn mỡ động vật, thịt cá, ăn nhiều rau xanh. 

- Thường xuyên tập thể dục, đi bộ nhẹ nhàng mỗi ngày không quá 30 phút. 

- Ngủ sớm, tránh xa bia rượu, chất kích thích. 

- Không vận động quá sức, tránh stress, suy nghĩ, căng thẳng kéo dài. 

- Sử dụng các sản phẩm hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa nhồi máu cơ tim. Nên ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. 

- Khám sức khỏe định kỳ, trang bị kiến thức về bệnh tim mạch. 

Để phát huy được hiệu quả, bác nên thực hiện hiệp đồng của giải pháp trên.

Chúc bác sức khỏe.

Đau ngực có phải bị bệnh tim mạch không?

Bởi: Trần Tâm (Email: **antam@gmail.com | Điện thoại: 098799089*)
Dạo gần đây tôi hay bị đau ngực, nhất là khi lao động nặng thì đau ngực lại dữ dội hơn. Gia đình tôi không có ai mắc bệnh tim, bản thân tôi hoàn toàn khỏe mạnh. Liệu tôi có nguy cơ mắc bệnh tim mạch không?

Trước hết, xin cảm ơn bác gửi câu hỏi đến chương trình. Tình trạng của bác xin được trả lời như sau:

Đau ngực là dấu hiệu cảnh báo rất nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó đáng chú ý và điển hình nhất là bệnh về tim mạch. Theo tình trạng của bác mô tả, có thể bác đang có những dấu hiệu sớm báo hiệu tình trạng thiếu máu cơ tim. Thông thường, khi hệ động mạch lưu thông máu bị tắc sẽ dẫn đến tình trạng tim không được cung cấp máu dẫn đến thiếu máu cơ tim, mà biểu hiện ra ngoài là những cơn đau ngực, cơn đau tăng khi hoạt động quá sức do tim phải hoạt động nhiều. Ngoài ra cũng có thể gặp các triệu chứng khác như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi…

Để có kết luận chính xác nhất bác nên đi khám tại các cơ sở chuyên môn, làm các xét nghiệm để có chẩn đoán. Chúc bác mạnh khỏe!

Hoặc để được Bác sĩ tim mạch chẩn đoán lâm sàng, bạn có thể gọi tới số: 0932 319 099 để được hỗ trợ.

02439036266