Ghép tim ở Việt Nam 1 tỷ đồng, Mỹ 26 tỷ

28/01/2016 - Lượt xem: 4092

Một người chết não hiến đa tạng có thể cứu sống 8-10 người, nếu hiến toàn bộ các bộ phận có thể giúp ích được tới 108 người. Nhu cầu ghép tạng tại Việt Nam hiện rất lớn song nguồn tạng hiến lại quá hạn chế. Làm thế nào để ngày càng có thêm nhiều người bệnh được “hồi sinh” nhờ phương pháp đặc biệt này?

Vừa qua, lần đầu tiên khối tim, gan được hiến từ người bệnh chết não đã vượt hành trình “xuyên Việt” từ Nam ra Bắc cứu sống 2 bệnh nhân suy tạng, mang tới niềm hân hoan và hi vọng cho rất nhiều người.

Dù đi sau thế giới gần 40 năm nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước, thậm chí tỉ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với nhiều quốc gia phát triển với chi phí rẻ bằng 1/4-1/5.

Hiện cả nước có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện nhiều kỹ thuật ghép mô, tạng phức tạp với những “cánh chim đầu đàn” như BV Việt Đức, Chợ Rẫy, BV 103… Tuy nhiên sau 23 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay Việt Nam mới thực hiện được gần 1.200 ca ghép thận, 38 ca ghép gan, 12 ca ghép tim, 1 ca ghép tụy và trên 1.400 ca ghép giác mạc.

Những con số trên được đánh giá là quá khiêm tốn so với nhu cầu của hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi… đang mòn mỏi chờ ghép tạng và hơn 6.000 người mù đang chờ ghép giác mạc.

Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) mỗi năm có khoảng 1.000 ca chết não nhưng 5 năm qua chỉ có 26 trường hợp đồng ý hiến tặng mô tạng. Tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, từ khi thành lập ngày 26/9/2013 đến nay cũng mới vận động được 500 người hiến tạng, trong đó có 13 người đăng ký hiến sống.

Do đó, 90% các ca ghép tạng tại Việt Nam đang được thực hiện từ nguồn cho là người sống, trong khi tại nước ngoài, 90% tạng ghép từ người cho chết não. Thực tế này đã hạn chế rất nhiều cơ hội cho những người bệnh đang mòn mỏi chờ ghép tạng – phương pháp cuối cùng giúp họ “hồi sinh” khi mắc bệnh hiểm nghèo.

Vì sao nguồn mô, tạng tại Việt Nam đang thiếu trầm trọng như vậy; Vì sao với trình độ ngang bằng thế giới mà hơn 20 năm qua ngành ghép tạng Việt Nam với 14 cơ sở ghép mới chỉ ghép được hơn 1.000 ca – bằng số lượng ca ghép trong 1 năm của các nước; Tại sao sau gần 10 năm triển khai thực hiện luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác, mà cho đến hiện nay trong cả nước mới chỉ có hơn 1.000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não…

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về thành tựu của ngành ghép tạng Việt Nam, giải đáp chi tiết các thắc mắc về thủ tục hiến, ghép tạng cũng như các chế độ chính sách, vấn đề liên quan, VietNamNet tổ chức giao lưu trực tuyến “Hiến tạng – Cho sự sống hồi sinh” vào lúc 9h ngày 24/9.

Ghép tim ở Việt Nam 1 tỷ đồng, Mỹ 26 tỷ

Ghép tim ở Việt Nam 1 tỷ đồng, Mỹ 26 tỷ

Khách mời:

– GS.TS Trịnh Hồng Sơn, PGĐ Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

– PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức.

– Th.S Nguyễn Hoàng Phúc, PGĐ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

– TS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy.

DƯỚI ĐÂY LÀ NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:

Nguyễn Thị Tươi , Nữ – 23 tuổi:Sau khi tôi qua đời, làm thế nào để Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người biết để lấy tạng?

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Khi bệnh nhân đã qua đời thì không hiến tạng được, mà chỉ là hiến mô tổ chức ví dụ như giác mạc. Tuy nhiên gần đây có một số nước trên thế giới như Nhật Bản đã bước đầu ghép thận thành công với thận ghép lấy từ người đã vừa mất. Lĩnh vực này sẽ sớm được nghiên cứu và triển khai ở VN.

Nếu độc giả muốn hiến mô sau khi qua đời có thể hỏi các thủ tục liên quan đến việc này với đại diện của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phúc sẽ trả lời chi tiết việc này cho độc giả.

Bùi Đức Việt , Nam – 23 tuổi: Xin chào các bác sĩ! Xin các bác sĩ cho biết, bộ phận như tim, gan, thận của người chết não được bảo quản trong thời gian mấy tiếng trước khi tiến hành ghép là hiệu quả nhất thưa bác sĩ! So với các nước trên thế giới thì hiện công nghệ bảo quản tạng của chúng ta hiện nay như thế nào? Xin cảm ơn ạ!

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: – Thông thường sau khi lấy tạng ra khỏi người hiến, có thể bảo quản trong vòng 6-8 tiếng trước khi ghép vào người nhận. Tuy nhiên, thời gian lý tưởng nhất tùy thuộc vào loại tạng được hiến và ghép. Ví dụ như ghép tim là từ 4-6 tiếng, gan từ 6-8 tiếng, thận từ 8-10 tiếng.

– Do ghép tạng ở VN là ứng dụng công nghệ của thế giới phù hợp với điều kiện VN, nên so với các nước trên thế giới, công nghệ bảo quản tạng tại VN về cơ bản là hoàn toàn giống với các nước phát triển có những quy trình hiện đại nhất như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Phan Hiếu, Nam – 34 tuổi: Em được ghép thận từ người hiến tặng đã được 5 năm, thuốc uống là Cellcep và Prrograhp, nồng độ Tactalimus trong máu của em thường xuyên là 3ng/ml. Cho em hỏi nồng độ như vậy là cao hay thấp ạ?GS.TS Trịnh Hồng Sơn: Nồng độ như vậy là hơi thấp, bình thường nồng độ là 4 – 6 ng/ml. Tuy nhiên nồng độ này cũng bình thường nếu chức năng thận qua xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu là bình thường không sao cả. Điều quan trọng là em phải đi khám bác sĩ định kỳ theo hẹn để bác sĩ có thể chỉnh liều cho phù hợp.

 

Đặng Văn Nam, Nam – 31 tuổi: Xin được hỏi chị Thu ạ! Tôi được biết cả nước mới có hơn 1.000 đơn xin đăng ký hiến tạng, hơn 500 trong số đó là của BV chị. Tôi rất ngạc nhiên, vậy ở Chợ Rẫy có cách gì để tuyên truyền cho người dân hiểu và hiến được nhiều như vậy ạ?

TS Dư Thị Ngọc Thu: Thưa bạn, rất cám ơn sự quan tâm của bạn đến vấn đề hiến tạng khi chẳng may qua đời.

Hiện tại cho đến tháng 9/2015, BV Chợ Rẫy đã nhận được 890 đơn đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.

Sở dĩ chúng tôi nhận được sự đồng thuận của cộng đồng là nhờ đến sự ủng hộ tích cực trước hết của Bộ Y tế cho sự phát triển của ngành ghép tạng Việt Nam và tiếp đến là của giới truyền thông báo, đài đã cùng phối hợp cung cấp những thông tin về hiến tạng cho cộng đồng cùng với sự đồng lòng của công chúng trong việc tình nguyện hiến một phần cơ thể của mình để cứu người khi mình không còn cần để sử dụng nữa.

Và một điều quan trọng trong việc điều phối cho việc Hiến ghép tạng từ người hiến tạng khi chẳng may qua đời là phải bảo đảm tính công bằng, minh bạch, không vi phạm y đức, luật pháp. Phải không làm mất lòng tin của công chúng về công việc làm này.

Trong tương lai Việc Nam sẽ có chương trình quản lý danh sách chờ và các việc tuyển chọn người nhận sẽ được chọn tự động bằng máy, không có sự can thiệp của con người như vậy sẽ bảo đảm chắc chắn những việc tôi đã trình bày ở trên.

Đặng Thị Yến, Nữ – 29  Tuổi: Tôi là người Việt Nam đang sống ở nước ngoài. Tôi muốn về Việt Nam tìm người để hiến thận. Như vậy có được không? Tôi cần phải làm gì? Tôi ghép thận từ người Việt Nam phải trả chi phí là bao nhiêu?

GS.TS Trịnh Hồng Sơn: Bạn có thể về VN để ghép vì pháp luật VN không có điều khoản cấm ghép cho người nước ngoài. Bạn có thể hỏi mọi thủ tục tại trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia ở 40 Tràng Thi – Hà Nội và BV Việt Đức.

Chi phí theo quy định của bệnh viện và Bộ Y tế cho phép. Chi phí cho ghép thận khoảng từ 250 – 500 triệu đồng tùy thuộc vào bệnh lý của thận, nguồn ghép từ người sống hay người cho chết não.

Hoàng Thị Tuyền, Nữ – 46 Tuổi:Qua báo chí, tôi được biết đến GS Sơn và PGS Ước ở đây, thực sự rất ngưỡng mộ về trí tuệ và tài năng của 2 bác! Tôi chỉ có băn khoăn, BV Việt Đức là bệnh viện ghép tạng hàng đầu cả nước thế, tại sao sau thất bại ghép phổi tại BV Trung ương Huế hồi tháng 7 vừa rồi, chúng ta không tiếp tục làm tiếp. Chúng ta lấn cấn vì vấn đề gì nữa chăng?

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Tôi cảm ơn bạn vì trân trọng chúng tôi. Theo tôi được biết, hiện không có thông tin nào về việc dừng triển khai ghép phổi ở VN. Trái lại, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Y tế trong chuyến thăm các bệnh nhân ghép tạng tại BV Việt Đức cách đây vài ngày thì ghép phổi là một ưu tiên phát triển kỹ thuật hàng đầu của Bộ Y tế trong thời gian này. Bên cạnh BV Huế, có một số BV đang triển khai kế hoạch ghép phổi trong đó có BV Việt Đức.

Nguyễn Thành Đạt, Nam – 58 Tuổi: Xin chào GS Sơn ạ! Vừa qua tôi thấy Bộ trưởng có nói đến việc sẽ mua trực thăng để vận chuyển tạng. Liệu chủ trương này có khả thi không? Nếu có trực thăng, trường hợp những bệnh nhân nghèo có phải trả chi phí cho cước vận chuyển không vậy? Xin cảm ơn ông!

GS. TS Trịnh Hồng Sơn: Chủ trương này có khả thi. Thứ nhất là VN có tinh thần thương thân thương ái, các bộ ngành ở trong nước thường rất phối hợp và giúp đỡ nhau trong hoàn cảnh khó khăn VN, ghép tạng cũng được thực hiện trong hoàn cảnh khó khăn như vậy.

Thứ 2 là vấn đề tổ chức cũng đã có nhiều kinh nghiệm từ hoàn cảnh cụ thể và từ các nước tiên tiến. Thứ 3 là nhu cầu ghép rất lớn, nguồn cho tạng dồi dào, nếu người dân đồng lòng và hiểu rõ vấn đề cho và hiến tạng thì nguồn kinh tế thu được chắc chắn sẽ dễ dàng mua được trực thăng. Thứ 4 là ở VN có rất nhiều người hảo tâm…

Phí Thu Dung, Nữ – 32 Tuổi:Xin chào các bác sĩ! Cho tôi xin được hỏi 1 câu, với những trường hợp tim như nào thì được chỉ định ghép tim ạ? Tôi nghe nói chỉ nên ghép tim khi U30, còn lại tuổi trên đó thì tỉ lệ sống rất thấp? Thực hư điều này như thế nào ạ?

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Về chỉ định ghép tim, nhìn chung ghép tim là chỉ định điều trị cuối cùng cho rất nhiều loại bệnh tim. Ví dụ bệnh viêm cơ tim (bệnh cơ tim giãn), bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh… Trên nguyên tắc chỉ định ghép tim được đặt ra khi thời gian sống của người bệnh được tiên lượng là dưới 1 năm, không còn giải pháp điều trị nào khác, và thương tổn giải phẫu cũng như toàn trạng bệnh nhân cho phép thực hiện ghép tim với khả năng thành công khá cao.

Tuổi chỉ định ghép tim lý tưởng nhất là dưới 60 tuổi, tối đa là tới 65 tuổi. Ngoài lứa tuổi này, chỉ định ghép vẫn đặt ra tuy nhiên cần căn cứ theo từng trường hợp cụ thể. Lý do không ghép tim cho người quá lớn tuổi là vì sức khỏe chung của bệnh nhân không chịu đựng tốt với các giải pháp điều trị sau ghép tạng.

Nguyễn Hải Yến, Nam – 38 Tuổi: Chồng tôi bị suy thận mãn tính, đến nay phải chạy thận nhân tạo được 2 tháng. Tuy nhiên, chồng tôi lại mắc viêm gan B, vậy xin các bác sĩ cho biết giờ ông xã tôi muốn ghép thận thì có được không. Năm nay ông xã tôi 43 tuổi. Xin cảm ơn ạ!

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Bệnh viêm gan B không phải là một chống chỉ định ghép tạng. BV Việt Đức đã ghép thận và gan cho nhiều bệnh nhân mắc viêm gan B. Tuy nhiên, nên điều trị viêm gan đạt tới giai đoạn ổn định rồi mới ghép. Lúc đó kết quả lâu dài sẽ tốt hơn.

Tuổi của chồng bạn ghép thận thì rất tốt. Tuy nhiên, cần phải dựa vào nhiều yếu tố khác để đưa ra chỉ định ghép thận. Bạn nên đến Trung tâm ghép tạng ở các bệnh viện để được tư vấn tốt nhất.

Lê Văn Tuấn, Nam – 42 Tuổi:Thưa các bác sĩ. Tôi bị ung thư gan nguyên phát giai đoạn đầu với kích thước khối u là 4cm*3cm. Tôi đã dùng phương pháp cấy vi cầu phóng xạ và đã giảm kích thước khối u còn 1.7 cm* 1cm trong 3 tháng. Tuy nhiên, vì ung thư trên nền xơ gan nên các bác sĩ không chắc chắn sau điều trị tôi có thêm khối u nào nữa không. Tôi muốn hỏi nếu tôi lại bị mọc thêm khối u thì có thể ghép gan được không. Chi phí như thế nào? Tôi bị viêm gan B vậy ghép gan nhưng máu vẫn có con virut này thì tỉ lệ thành công ra sao. Tôi xin chân thành cảm ơn và kính chúc các bác sĩ luôn có nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp y học nước nhà!

GS.TS Trịnh Hồng Sơn: Ung thư gan và đặc biệt ung thư gan trên xơ gan có rất nhiều phương pháp điều trị. Mỗi 1 phương pháp có chỉ định của nó. Chỉ định này phụ thuộc vào kiến thức hiểu biết của người thầy thuốc, hoàn cảnh cụ thể của mỗi người bệnh, của cơ sở y tế…

Các phương pháp như phẫu thuật cắt bỏ khối u, hóa chất động mạch gan, hóa chất toàn thân, đặt hạt xạ, điều trị đích, điều tri đông y, y học dân tộc cổ truyền, ghép gan…

Trường hợp của bạn có u gan mà kích thước khối u là 4cm và có xơ gan là hướng tới chỉ định ghép gan. Bạn cần đến các cơ sở y tế, như BV Việt Đức, Bạch Mai… để khám và tìm ra chỉ định đúng: nút hóa chất động mạch gan nếu chụp CT thấy còn dấu hiệu tăng sinh ở u, nếu còn khả năng cắt bỏ u được là tốt nhất và sau đó mới đến phương án ghép gan.

Thanh Huyen, Nữ – 35 Tuổi: Xin quý toà soạn và các vị khách mời cho biết: 1. Nếu một người mới 17 tuổi và 6 tháng, thể chất khỏe mạnh, không bị bệnh tật tình nguyện hiến một quả thận cho người khác thì có được phép hay không? Hệ thống pháp luật của chúng ta hiện hành có quy định chi tiết điều này không? 2. Nếu người sống hiến tạng thì họ có quyền và lợi ích gì không? Theo tôi được biết, trên thế giới nếu một người đã hiến tạng, thì người đó được cả xã hội tôn trọng và vinh danh. Xin trân trọng cảm ơn!

Ths. Nguyễn Hoàng Phúc: 1. Theo quy định tại Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác, quy định về Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác, theo đó: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.

Như vậy, pháp luật quy định rất rõ, chỉ những người từ đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự có quyền đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. Đối chiếu với quy định trên, nếu một người mới 17 tuổi và 6 tháng không đủ điều kiện để trực tiếp hiến thận cho người khác khi còn sống cho dù bạn có thể chất khỏe mạnh, không bị bệnh tật (Quy định này của pháp luật thể hiện tính nhân văn qua việc bảo đảm tối đa sự ảnh hưởng của người hiến tạng không ảnh hưởng lớn đến thể chất, đặc biệt là tâm sinh lý của người hiến).

Tuy nhiên, luật pháp không giới hạn việc bạn đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não nếu có sự đồng ý của người giám hộ theo quy định của pháp luật.

2. Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, bất kỳ người nào đã hiến tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não đều được xã hội tôn trọng và Nhà nước vinh danh. Theo đó, không quan trọng trước khi người hiến tạng là ai, giới tính, tôn giáo, địa vị xã hội…, nếu đã hiến tạng đều được xã hội tôn trọng và vinh danh.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu một người đã hiến tạng khi còn sống thì người đó được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tạng tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; được tặng thẻ bảo hiểm y tế miễn phí suốt đời; được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế và được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

Riêng đối với người hiến tạng sau khi chết, chết não thì được Bộ Y tế truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.

Ngoài ra, tùy từng cơ sở y tế nơi người đó hiến tạng sẽ có thêm những sự hỗ trợ cụ thể khác theo chính sách của mỗi cơ sở y tế đó.

Chí Dân, Nam – 26  Tuổi:Tôi theo dõi trên ti vi về ca hiến tạng hôm 5/9 vừa qua. Xin các giáo sư cho biết đến nay có bao nhiêu người hồi sinh nhờ ghép tạng. Những câu chuyện cảm động ở phòng ghép tạng của các bác sĩ, tôi rất mong các bác sĩ chia sẻ điều này để người dân thấy được tầm quan trọng của ghép tạng? Xin cảm ơn

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: – Tại VN, cho đến nay có gần 1.000 bệnh nhân được cứu sống nhờ kỹ thuật ghép tạng. Trong đó ghép thận là hơn 900 ca, số còn lại là ghép các tạng khác. Riêng về ghép tim thì cả nước đã tiến hành được 13 ca với tỉ lệ thành công về kỹ thuật là 100%.

– Riêng về phẫu thuật ghép tạng, có nhiều đặc điểm riêng khác biệt với các trường hợp phẫu thuật khác. Trong đó quan trọng nhất là tính tổ chức và trách nhiệm. Tức là để tiến hành ghép tạng tại một đơn vị  y tế, sẽ đòi hỏi công tác tổ chức phải vận hành hết sức tốt, tập hợp được sức mạnh của toàn bệnh viện và các đối tác thì mới đạt được thành công. Câu chuyện cảm động ở đây là tính trách nhiệm rất cao trong công việc của từng thành viên nhóm ghép tạng. Vì mỗi một sai sót nhỏ đều dẫn tới hậu quả lớn và sinh mạng của hai con người, một người có tâm hiến tạng, và một người có bệnh nặng cần cứu chữa.

Do vậy, trong khi tiến hành các phẫu thuật ghép tạng có nhiều thời điểm không khí trong phòng mổ của chúng tôi căng như dây đàn. Mọi mệnh lệnh, chỉ định đều rất gay gắt và khẩn trương. Nhưng khi thành công thì mọi sự như vỡ òa tạo cảm giác vô cùng hạnh phúc và sung sướng đối với người thầy thuốc tham gia ca ghép tạng.

Nguyễn Mạnh Cường, Nam – 33 Tuổi: Em xin hỏi: Người có sức khỏe như thế nào thì có thể hiến tặng tạng? Nếu muốn hiến tặng thì ở đâu, thủ tục cần những gì? Em trân thành cảm ơn!

TS Dư Thị Ngọc Thu: Hiến tặng tạng, về nguyên tắc thì phải có sức khỏe tốt. Nếu bạn có ý nguyện hiến tặng được nhiều mô và cơ quan thì cần phải gìn giữ sức khỏe của mình cho thật tốt nhé.

Khi ở giai đoạn cuối của mình, các bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe của bạn lúc đó cùng với tiền sử bệnh của bạn sẽ thông tin cho gia đình của bạn là bạn có thể hiến được mô hay cơ quan nào cùng với lý do của nó.

Nếu bạn có viêm gan siêu vi B hay C thì đa phần bạn chỉ có thể hiến được thận cho người cũng bị cùng loại viêm gan của bạn kèm theo điều kiện là tình trạng viêm gan của bạn đang ở giai đoạn ổn định.

Nếu bạn bị bệnh đái tháo đường hay tăng huyết áp, thì sẽ phải đánh giá xem lúc đó tình trạng chức năng cơ quan của bạn đang ở giai đoạn nào có còn nhận được mô hay cơ quan nào?

Nếu bạn bị ung thư, thì chỉ có thể nhận được cơ quan khi chứng minh là bệnh ung thư đó đã khỏi.

Thủ tục hiến tạng rất đơn giản, nếu bạn ở khu vực miền Nam thì bạn liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy. Nếu ở miền Bắc thì sẽ liên hệ với Trung tâm Điều phối Quốc gia. Có thể liên hệ đăng ký bằng cách đến trực tiếp Trung tâm hay qua đường Bưu điện hay Email.

Bùi Văn Anh, 33 tuổi: Con gái tôi bị tim bẩm sinh. Cháu năm nay 5 tuổi. Tôi muốn được thay thế tim cho cháu. Tôi có thể đến BV Việt Đức hay BV Chợ Rẫy để đăng ký. Con tôi bé thế có ghép tim được ko? Ghép tim thì con tôi có thể sống thêm được bao nhiêu lâu nữa?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước: Chào Bạn Bùi Văn Anh. Tôi rất chia sẻ với hoàn cảnh của Bạn khi có con không may mắc bệnh tim bẩm sinh.

Trường hợp con của Bạn cần được thăm khám chuyên sâu để xác định tình trạng bệnh lý cụ thể mới kết luận có phải thay tim hay không. Tuy nhiên, nếu phải ghép tim thì trong trường hợp này cũng hết sức phức tạp và không đơn giản vì điều cốt yếu phải có được tim từ người hiến tạng chết não tương ứng.

Trước mắt, Bạn có thể đến các bệnh việc chuyên sâu để thăm khám cho cháu hoặc đến thẳng BV HN Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa đặc biệt đã phát triển kỹ thuật ghép tim lớn nhất trong cả nước trong thời gian qua để được thăm khám, tư vấn về trường hợp của con Bạn.

Ghép tim ở Việt Nam 1 tỷ đồng, Mỹ 26 tỷ 2

Ghép tim ở Việt Nam 1 tỷ đồng, Mỹ 26 tỷ ( Ảnh 2)

Đức Phúc, 42 tuổi:Tôi được biết thải ghép rất nguy hiểm cho bệnh nhân ghép tạng. Xin các bác sĩ giải thích thải ghép nghĩa là gì? bệnh nhân bị thải ghép có thể chữa được không?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước: Chào bạn Đức Phúc. Thông thường hệ thống miễn dịch của cơ thể bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Điều này diễn ra khi các tế bào của hệ thống miễn dịch di chuyển khắp cơ thể kiểm tra xem có dấu hiệu gì khác thường từ các tế bào của chính cơ thể mình. Sự thải ghép diễn ra khi các tế bào miễn dịch của cơ thể nhận ra tạng được ghép có sự khác biệt so với những phần còn lại của cơ thể và ra sức phá hủy nó. Nếu thuận lợi, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công các tế bào của tạng ghép mới và thậm chí phá hủy nó.

Để ngăn ngừa sự thải ghép, bệnh nhân phải dùng tới một số loại thuốc được gọi là thuốc kháng chống miễn nhiễm (immunosuppressants). Những loại thuốc này giúp ngăn ngừa bảo vệ tạng ghép khỏi sự phá hủy của hệ thống miễn dịch. Sự phế bỏ này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào sau khi ghép, vì vậy những thuốc này phải đưa cho bệnh nhân trước khi tiến hành cấy ghép và tiếp tục dùng sau đó.

Để tránh bị từ chối thải ghép, bệnh nhân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dùng các loại thuốc này. Chính vì vậy, khi bệnh nhân bị thải ghép, đặc biệt khó khăn để điều trị.

Lý Ngọc Liên, 43 tuổi: Tôi muốn đến hiến thận tại BV Việt Đức, tôi mất bao nhiêu thời gian để có thể hiến thận? Có vất vả xếp hàng chờ đợi như đi khám bệnh tại Việt Đức không? Tôi có trả tiền gì không? Tôi có thể biết người tôi sẽ hiến thận ko?

Ths. Nguyễn Hoàng Phúc: Chào bạn Lý Ngọc Liên. Xin cảm ơn Bạn đã quan tâm và có ý nguyện hiến tạng ngay khi còn sống để cứu chữa cho người bệnh tại Bệnh viện HN Việt Đức.

Để hiến tạng nói chung và hiến thận nói riêng, Bạn có thể đến BV.HN Việt Đức hoặc đến Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia: Tầng 2-Khoa khám bệnh, tòa nhà C2, Bệnh viện HN Việt Đức) để được tư vấn, hướng dẫn làm các thủ tục đăng ký hiến tặng cần thiết theo quy trình.

Thời gian để hiến tạng liên quan đến các công đoạn kiểm tra, xét nghiệm, khám, sàng lọc… để bảo đảm việc xác định các chỉ số y sinh học phù hợp… và trên hết là có bảo đảm điều kiện an toàn đến tính mạng, sức khỏe của người hiến tặng hay không. Tuy nhiên, thông thường nếu mọi chỉ số xét nghiệm, kiểm tra hồ sơ pháp lý bảo đảm quy định thì thời gian hoàn thành việc hiến tạng trong vòng 3 tuần.

Khi Bạn đã hiến tạng thì không phải thanh toán chi phí và sẽ được bộ phận tiếp đón chuyên biệt của BV hỗ trợ Bạn.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, Bạn không được phép biết danh tính của người nhận tạng (ngoại trừ Bạn đồng ý cho người nhận tạng biết danh tính của mình và người nhận tạng cũng đồng ý cho bạn biết danh tính của họ).

Nguyễn Văn Tiến, Nam – 44 Tuổi:Xin chào các bác sĩ đầu ngành của VN. Tôi xin đc hỏi sau hành trình chuyển tạng từ TP.HCM ra Hà Nội vừa qua, liệu sắp tới chúng ta có thể chuyện tạng từ những vùng xa xôi, cách trở hơn thế nữa được không? Liệu có thể đưa người hiến về các bv lớn thực hiện được ghép tạng hay không? Nếu chuyển được sao ta không làm vậy, tại sao lại phải tính đến chuyện mua máy bay chi cho tốn kém?

GS. TS Trịnh Hồng Sơn: Rất cám ơn bạn, những điều bạn nói hoàn toàn đúng trong một hoàn cảnh nào đó. Nếu các bạn nước ngoài hay nhà hảo tâm nào đó trên trái đất này cho chúng tôi 1 cái máy bay trực thăng thì tại sao chúng tôi lại không nhận. Xu hướng toàn cầu là tất yếu, tất cả các nước tiên tiến đều vận chuyển tạng bằng các máy bay chuyên dụng.

Trong hoàn cảnh VN hiện nay hoàn toàn có thể thực hiện được lấy tạng từ những vùng xa xôi hẻo lánh nhất vì các trung tâm ghép tạng đã được đặt ở 3 miền Bắc Trung Nam. Nếu có người hiến tạng chết mất não thì đội ngũ y tế VN hiện nay đủ khả năng vận chuyển người chết hiến tạng về các trung tâm này để hồi sức và lấy tạng hoặc có thể triển khai lấy tạng từ người cho chết não tại tất cả các bệnh viện tỉnh. Vì tất cả các bệnh viện tỉnh có thể chẩn đoán được chết não.

Có thể đưa người hiến về các bệnh viện lớn ghép tạng được nhưng phải được phép của Bộ Y tế (thẩm định theo quy định của pháp luật). Hiện nay cả nước có 14 trung tâm ghép nằm ở rải rác khắp các miền Bắc Trung Nam.

Hà Văn Hà, Nam – 47 Tuổi: Tôi đã nghe đài và các báo đưa tin về thành công của ca ghép tạng xuyên Việt vừa qua. Mọi người đã chúc mừng bác sĩ và ê kíp rồi, cũng chúc mừng bệnh nhân rồi. Tôi xin được bày tỏ lòng tri ân tới người đã hiến tạng và gia đình của họ. Liệu có cách nào đó để ghi nhớ nghĩa cử cao đẹp này của họ không, để xã hội, con cháu của họ sau này nhìn đó mà noi gương?

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu: Bạn mong muốn bày tỏ lòng tri ân với người hiến tạng và gia đình của họ sẽ có nhiều cách: 1. Bằng hành động của mình là trở thành những tình nguyện viên hỗ trợ lan truyền những thông tin về hiến tạng cứu người cho bạn bè và đồng nghiệp của mình qua facebook của bạn chẳng hạn…

2. Bạn muốn gởi thư cám ơn gia đình người hiến tạng xin thông qua trung tâm điều phối sẽ giúp bạn chuyển thư này đến gia đình.

3. Nếu bạn là doanh nhân thành đạt, bạn có thể ủng hộ bằng tiền hoặc các hiện vật cần đầu tư và phát triển các mạng lưới quản lý xin gởi đến Đơn vị Y xã hội của BVCR. Chúng tôi sẽ hứa thực hiện đúng mục đích yêu cầu của bạn.

Trịnh Thị Xuân Thu, Nữ – 27 Tuổi: Thưa GS Sơn, với vị trí Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, với tình trạng khan hiếm nguồn tạng như hiện tại, ông có nghĩ chúng ta cần có hình thức khuyến khích, chính sách ưu tiên gì với người hiến hay không?

GS.TS Trịnh Hồng Sơn: Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia cũng đang tìm kiếm mô hình cho phù hợp nhất để khuyến khích  ưu tiên những người hiến tạng ngoài các điều khoản quy định của pháp luật như người hiến được cấp thẻ BHYT, tặng kỷ niệm chương. Nếu bạn có những ý tưởng hoặc những phương sách nào thì hãy mách chúng tôi.

Nguyễn Phương Lan, Nữ – 35 Tuổi: Xin cho biết, bố mẹ có quyền hiến tặng nội tạng của con đã chết do tai nạn giao thông không?

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Mọi trường hợp bệnh nặng hoặc tử vong mà không có liên quan đến các vấn đề pháp luật thì đều có thể hiến tặng tạng, mô tổ chức. Hiện tại ở VN, theo truyền thống như nhiều nước châu Á khác, việc quyết định hiến tạng, mô tổ chức ở người chết não hoặc mới tử vong hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định và sự đồng thuận của các thân nhân trong đó gần nhất là bố mẹ, vợ chồng, hoặc con cái.

Hoàng Nam, Nam – 41 Tuổi: Xin quý báo cho biết: • Có phải Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia thuộc BV Việt Đức? • Có thể tiết lộ danh tính người nhận cho người hiến hoặc người hiến cho người nhận được không. Nếu trường hợp tôi được nhận tạng, tôi có thể xin thông tin của người hiến để cảm tạ hay không? • Người đã hiến tạng sau khi chết, chết não có lợi ích gì cho chính bản thân họ hay không? • Có nên hợp pháp hóa việc mua, bán nội tạng vì thực tế có rất nhiều người có nhu cầu bán và mua, đặc biệt là thận?

Ths. Nguyễn Hoàng Phúc: – Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia) là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Y tế, được thành lập theo quyết định số 2002/QĐ-TTg ngày 10/11/2011 của Thủ tướng. Trung tâm không phải là đơn vị thuộc BV Việt Đức.

– Theo quy định tại khoản 9, điều 11; khoản 1 điều 38 về hành vi nghiêm cấm và mã hóa thông tin của luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác thì mọi thông tin về người hiến, người được ghép bộ phận cơ thể người phải được mã hóa thông tin và bảo mật; nghiêm cấm tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt nếu người hiến hoặc người nhận tạng trong đơn đăng ký hiến, ghép không phản đối việc giữ bí mật thông tin hoặc người hiến và người được ghép là người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời… thì không áp dụng quy định này. Và trên thực tế, hầu hết người đăng ký hiến tạng hoặc đã hiến tạng đều muốn giữ bí mật về danh tính.

Như vậy, trong trường hợp nếu người hiến tạng đồng ý cho cung cấp thông tin thì sau khi nhận được tạng, bạn có thể tìm gặp người hiến tặng.

– Người đã hiến tạng sau khi chết, chết não có lợi ích gì cho chính bản thân họ hay không?

Đây là một vấn đề đặc biệt ý nghĩa, không ít người còn khá mơ hồ khi cho rằng nếu hiến tạng chỉ có lợi, ý nghĩa cho người nhận. Tuy nhiên, giá trị của việc hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não là vô cùng to lớn cho chính người đã hiến tặng, bởi: Trước khi hiến tạng, khi còn sống, người hiến đã có ý nguyện, tâm ý trao tặng một phần cơ thể của mình cho người khác như một món quà vô giá, quà tặng sự sống.

Tiếp cận vấn đề này từ góc nhìn tôn giáo cho chúng ta thấy rõ vấn đề hơn. Linh mục Phan Khắc Từ (Phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết công giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam): “Với hành động hiến tặng mô tạng, mình đem lại cuộc sống, hạnh phúc cho người khác thì nếu mình có mất mát, thiệt thòi thì cũng đó là điều vinh dự. Phải quan niệm rằng, mình cho đi cũng chính là mình được nhận về”, còn Hòa thượng Thích Gia Quang (Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam) cũng từng chia sẻ: “Việc hiến tặng tạng cho những bệnh nhân hiểm nghèo là việc làm rất phù hợp với Phật giáo, nó mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và mang đến hạnh từ bi của Phật giáo”.

Qua đó cho thấy, sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của tự nhiên, sinh có hẹn, tử bất kỳ, nếu biết chắc chắn rằng ngay cả sau khi chết vẫn còn đem cơ hội sống cho những người bệnh thì đó là cái chết không lãng phí, cao đẹp tại sao lại không nên làm? Và đó thực sự là một món quà mang lại cơ hội sống cho rất nhiều người, trong đó có cả những người bạn chưa hề quen biết, dù bạn không muốn thì bạn vẫn trở thành “bất tử”, bạn không muốn trở thành anh hùng thì bạn vẫn là “Anh hùng” trong trái tim của họ và của rất nhiều người đang sống. Bởi vậy, mong rằng sẽ có nhiều hơn những tấm lòng biến đau thương thành hành động cao đẹp hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não, góp phần làm hồi sinh sự sống, thăng hoa những phẩm chất cao thượng, tốt đẹp của người Việt khi thực hiện những “Việc cần làm”: Lợi mình – Lợi người.

– Trên thế giới hiện nay không có một quốc gia nào hợp pháp hóa việc mua, bán nội tạng. Do đó, việc pháp luật Việt Nam quy định nghiêm cấm hành mua, bán nội tạng là không ngoại lệ.

Và hiện nay, trong dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung đã đưa vào một điều luật mới, điều 153 về tội mua bán, chiếm đoạt bộ phận cơ thể người, tạo nên hệ thống chỉ thể, đồng bộ nghiêm cấm hành vi mua bán nội tạng, xem tính mạng, sức khỏe con người như một món hàng hóa.

Nguyễn Trọng Tiến, Nam – 42 Tuổi: Xin chào các bác sĩ! Vừa qua đọc hành trình vận chuyển tạng mà tôi thấy nghẹt thở. May mắn quả tim, lá gan đã về kịp giờ. Tôi thắc mắc, chúng ta đã nói liên hiệp tốt, điều phối tốt, tại sao việc sắp xếp chuyến bay, giờ bay lại gặp trục trặc và thiếu chủ động như vậy?

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Cảm ơn bạn đã quan tâm đến đặc điểm quan trọng nhất của sự kiện vừa qua. Xin nhấn mạnh lần nữa là trong ca ghép tạng vừa qua, chúng ta đã sử dụng hàng không thương mại để vận chuyển tạng. Ghép tạng là một kỹ thuật không được dự báo trước, mọi quá trình sẽ vô cùng gấp gáp khi có người hiến tạng chết não.

Do vậy, những trục trặc gặp phải trong sự kiện vừa rồi là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, “có đi thì mới có đến”, chúng ta phải làm thì mới có kinh nghiệm để cho những lần tiếp theo thuận lợi và tốt đẹp hơn. Chi phí chuyến bay riêng phục vụ ghép tạng giống như các nước phát triển vô cùng đắt đỏ mà hầu như không có một người bệnh nào có thể chi trả được.

Nguyễn Bảo Anh, Nữ – 27 Tuổi:Xin hỏi tôi ở Ninh Bình thì có thể đăng kí hiến tạng ở Bệnh viện tỉnh được không?

Ths. Nguyễn Hoàng Phúc: Pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định bất kỳ ai từ đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự có quyền đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não.

Do vậy, nếu bạn muốn đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não thì có thể đến cơ sở y tế gần nhất để bày tỏ ý nguyện đó. Cơ sở y tế sẽ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin để báo về Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Trung tâm sẽ thông tin đến cơ sở y tế có chức năng phù hợp để tiếp nhận đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não và hoàn tất thủ tục pháp lý, tư vấn, cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng (hiến sau khi chết/chết não).

Ngoài ra, bạn cũng có thể đến thẳng Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để được tư vấn, trợ giúp hoặc hỗ trợ trực tiếp để đăng ký hiến tạng khi còn sống hoặc cấp thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng (sau khi chết/chết não).

Như vậy, nếu bạn đang ở Ninh Bình, hoàn toàn có thể đến đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện tỉnh Ninh Bình.

Nguyễn Anh, Nam – 40 Tuổi: Tôi có một người bạn là người gốc Việt, quốc tịch Nga mắc suy thận. Bạn tôi đã có người tình nguyện hiến là người Nga. Bạn tôi có thể về Việt Nam để ghép thận được không?

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Luật pháp VN không có vùng cấm đối với việc ghép tạng cho người nước ngoài. BV Việt Đức đã thực hiện ghép tạng cho người nước ngoài với người hiến cùng quốc tịch. Tuy nhiên, người bệnh nước ngoài cần tuân thủ mọi quy định với ghép tạng theo pháp luật VN.

Nguyễn Mỹ, Nam – 40 Tuổi:Cho tôi hỏi hiến tạng thì chi phí phẫu thuật, ma chay người hiến có được hỗ trợ hay phải tự chi trả?

TS Dư Thị Ngọc Thu: Để có thể có một chút biểu hiện sự cám ơn tấm lòng thiện nguyện của người hiến tạng và gia đình về việc cứu người bệnh bị suy chức năng tạng, theo qui định của Luật hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người của Việt Nam ở điều 24-25 của mục 2 chương 3 qui định rõ các chi phí về áo quan và ma chay sẽ được Bộ Tài chính chi trả. Tuy nhiên, về viện phí của người hiến cho đến nay chưa có sự hỗ trợ của BHYT. BVCR hiện đang chịu trách nhiệm miễn giảm cho người hiến tạng.

Ngoài ra Đơn vị Y xã hội của BVCR sẽ tiếp tục liên hệ, giúp đỡ gia đình khi cần thiết và trong phạm vi qui định của Y đức và Pháp luật Việt Nam.

Hữu Nam, Nam – 57 Tuổi: Có phải ghép gan là phương pháp tốt nhất để điều trị ung thư gan hay không? Những ai được và không được ghép gan? Rủi ro sau khi ghép gan có lớn ko? Tôi sẽ phải chi trả khoảng bao nhiêu tiền để ghép gan?

GS.TS Trịnh Hồng Sơn: Đúng, hiện tại ghép gan là phương pháp điều trị tốt nhất để điều trị ung thư gan có xơ gan kết hợp với điều kiện tiêu chuẩn rất rõ ràng và cụ thể. Các tiêu chuẩn này đã được thống nhất toàn cầu như tiêu chuẩn của Barcenola, Califorlia, Milan…( nơi diễn ra các hội nghị quốc tế đồng thuận). Nếu ghép không đúng chỉ định thì không phải là phương pháp tốt nhất. Những chỉ định và chống chỉ định của ghép gan cũng đã được chuẩn hóa. Ví dụ ung thư gan nhưng di căn xa (xương phổi…) thì không có chỉ định ghép.

Bất cứ 1 cuộc phẫu thuật nào cũng có rủi ro dù lớn hay nhỏ. Tại bệnh viện Việt Đức 25 ca ghép gan thì tử vong 2 trường hợp, các trường  hợp khác đều tiến triển tốt. Tỷ lệ này là ở mức ngang bằng với các nước phát triển.

Bạn sẽ phải chi trả 1,5 tỷ đồng để ghép gan.

Nguyen Thi Kim Lien, Nữ – 35 Tuổi: Thưa các giáo sư, cho em xin được hỏi thủ tục và điều kiện để được hiến xác khi chết như thế nào ạ? Quyền lợi và nghĩa vụ khi hiến xác? Nếu lúc mình đăng ký địa chỉ ở HN nhưng lúc chết lại ở Sài Gòn thì phải như thế nào? Mong các giáo sư giải thích cho em được rõ ạ.

TS Dư Thị Ngọc Thu: Hiến xác xin bạn liên hệ đến Các trường Đại học Y khoa, tại đây mới có chức năng bảo quản xác. Trung tâm Điều phối chỉ có chức năng tiếp nhận mô và cơ quan hiến mà thôi. Khi đã nói đến từ hiến tặng thì sẽ không có bất kỳ quyền lợi gì cả bạn à. Chỉ có sự lo lắng cho người sau khi hiến từ tấm lòng của xã hội mà thôi thưa bạn.

Thủ tục hiến xin bạn liên hệ với cơ quan chịu trách nhiệm sẽ có hướng dẫn thực hiện. Nếu ở miền Bắc thì trung tâm điều phối quốc gia. Nếu ở miền nam thì BVCR.

Để có thể thực hiện được hiến tạng thì chính người thân của gia đình bạn sẽ thông tin cho bác sĩ điều trị về ý nguyện và gọi trực tiếp đến trung tâm để báo tin. Khi đó sẽ có nhân viên theo dõi và thực hiện.

Nguyễn Hải Yến, Nam – 38 Tuổi:Tôi muốn biết hiện BHYT của ta đã đồng ý thanh toán cho ghép tạng hay chưa? Nếu có thì hiện thanh toán ở những hạng mục nào và bao nhiêu %. Vì thực tế chi phí ghép tạng rất lớn, nếu không được BH hỗ trợ thì những người nghèo như chúng tôi không biết bao giờ mới với tới được.

TS Dư Thị Ngọc Thu: Hiện tại BHYT chỉ mới chi trả khoảng 80-90% chi phí cho ghép tạng tùy thuộc vào loại BHYT của người thụ hưởng. BHYT chưa chi trả cho người hiến tạng khi chết não. Mong muốn trong tương lai của ngành y tế là tất cả người bệnh dù giàu hay nghèo đều có thể chọn lựa được phương pháp điều trị thay thế là ghép cơ quan.

Nguyễn Minh Quân, Nam – 33 Tuổi: Cho tôi hỏi hiện nay cũng có nhiều người hỏi về việc hiến tạng nhưng thông tin rất ít. Thực tình chỉ gần đây khi báo chí đưa tin nhiều về vụ ghép tạng cho 2 bệnh nhân ở Việt Đức tôi mới biết đến hiến tạng. Tôi quan tâm để hiến được thì thủ tục có gì rắc rối, phức tạp không? Tôi có cần chứng minh tình trạng sức khỏe hay không? Sau khi tôi hiến tạng tôi có được ưu tiên gì không (giống như hiến máu chăng?)

TS Dư Thị Ngọc Thu: Xin cám ơn tấm lòng thiện nguyện của bạn. Xin bạn thông cảm, vì việc này cũng chỉ mới bắt đầu tại VN trong vòng 2-3 năm nay, nên thông tin cũng chưa nhiều. Chúng tôi đang tìm cách làm sao cho tất cả mọi người đều có thể nhận được thông tin.

Về thủ tục ghép tạng thì không có gì rắc rối cả, chỉ cần sự quyết tâm của mình. Bạn có thể tham khảo trên trang web của trung tâm điều phối quốc gia hay của BVCR sẽ có đơn và sự hướng dẫn cho bạn.

Chỉ cần bạn biết tình trạng sức khỏe của mình bây giờ không mắc bệnh là được. Đối với hiến tạng thì cái vinh dự lớn nhất là bạn sẽ nhận được sự biết ơn và chăm sóc của cộng đồng, xã hội.

Đặng Đình Hoan, Nam – 38 Tuổi: Chúng ta vẫn luôn nói nguồn hiến của chúng ta đang cực kỳ ít, một trong những lý do là người dân còn nặng nề chuyện “chết phải toàn thây”. Chẳng lẽ không có cách nào để khoan thông tư tưởng này sao?

Ths.Nguyễn Hoàng Phúc: Đúng là một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay là nhận thức, quan niệm còn khá nặng nề về cái chết toàn thây. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với các các bậc tu hành, các vị chức sắc tôn giáo, những người có tiếng nói trong đời sống tâm linh mới vỡ lẽ ra rằng, trong các tôn giáo chính thống hiện nay trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, không có một tôn giáo nào nói về cái “chết toàn thây”, không tôn giáo nào nói rằng hiến tặng mô, tạng là điều không nên và cũng không có tư tưởng tôn giáo cho rằng người hiến tặng mô, tạng là sẽ không được lên “thiên đường”, về với cảnh giới an vui của chư Phật…, mà ngược lại, chính các bậc tu hành, các nhà sư, các linh mục… đều nói rằng trong giáo lý của đạo Phật, đạo Thiên chúa… đó là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp, một việc làm bố thí ba la mật thù thắng trên hành trình tâm linh của mỗi người.

Chính Giáo hoàng Pope John Paul II là người rất ủng hộ việc hiến tạng, Ngài đã gửi điện mừng tới Hội nghị quốc tế lần thứ 1 về hiến tạng (năm 1991) với thông điệp: “Nhà thờ Thiên chúa giáo sẽ thúc đẩy một sự thật rằng cần có những người hiến tạng và những người Thiên chúa giáo sẽ chấp nhận điều này như là một thử thách lòng hào hiệp và tình anh em”.

Như vậy, không có tôn giáo nào cho rằng phải chết toàn thây và cũng không có tôn giáo nào cổ súy cho việc chết toàn thây. Ngay cả các nước quốc giáo như Myanmar, Srilanca, Singgapore, Thái Lan, Lào, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản –  những đất nước có nền văn hóa rất gần với chúng ta cũng không hề có quan niệm về cái chết toàn thây như vậy.
Vì vậy, nếu mọi người hiểu biết rõ vấn đề về chết toàn thây như vậy, chắc chắn sẽ không còn rào cản nào như vậy.

Vừa qua, Hội vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam đã ra đời và trong thành phần Ban chấp hành Hội có rất nhiều vị chức sắc tôn giáo tham gia, cùng chia sẻ, vận động mọi người dân và xã hội tự nguyện đăng ký hiến và hiến mô, tạng khi còn sống hoặc sau chết não vì mục đích nhân đạo cứu chữa người bệnh và nghiên cứu y học.

Phúc Mai, Nam – 31 Tuổi: Người hiến tạng có được quyền lợi gì hay không? Ví dụ chi phí hay như thế nào. Nếu người chết não có hai con nhỏ chưa đủ 18 tuổi, khi hiến tạng con họ có được quyền lợi gì hay không?

TS Dư Thị Ngọc Thu: Nói là hiến tặng thì chỉ với mục đích nhân đạo, sẽ chỉ nhận được sự chăm sóc của cộng đồng và xã hội mà thôi.

Trong trường hợp gia đình đơn chiếc, có trẻ em nhưng không còn người bảo bọc thì chúng tôi sẽ có kế hoạch bảo trợ từ Bộ LĐ-TB&XH, các mạnh thường quân… sẽ giúp các em có thể trưởng thành thành công dân tốt và có nghề tự mưu sinh.

Việc này sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng đối tượng chúng tôi sẽ có hướng giúp đỡ khác nhau.

Theo www.suckhoedoisong.vn

02439036266