Bệnh tim mạch luôn là vấn đề trăn trở của giới y học cũng như người bệnh. Bệnh tim mạch rất nguy hiểm và tỷ lệ tử vong do bệnh này khá cao. Đáng báo động hơn nữa là tần suất mắc bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa. Đây là 1 trong 4 bệnh lý không lây nhiễm có xu hướng phát triển ở xã hội hiện đại, ngay cả ở Việt Nam.
Theo ước tính mỗi năm, ở nước ta có khoảng hơn 200 nghìn người tử vong do bệnh tim mạch, chiếm hơn 33% các trường hợp tử vong; con số này dường như gấp 20 lần tỉ lệ tử vong do bệnh ung thư và gấp 10 lần tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông.
Hiệp Hội Tim mạch Việt Nam nghiên cứu và cho thấy hiện nay, nước ta có khoảng 25% dân số mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Hơn nữa, bệnh lý tăng huyết áp ngày càng có dấu hiệu của sự gia tăng ở nhóm người trẻ, trong độ tuổi lao động; ghi nhận được có khoảng 47% số người từ 25 tuổi trở lên bị tăng huyết áp. Trước đây, bệnh tim mạch thường được nhắc tới là bệnh của người lớn tuổi. Trên thực tế hiện nay ghị nhận, tần suất mắc của người trẻ và trung niên là khá cao. Đây là bệnh lý mãn tính, có thể xảy ra với bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa và phát hiện sớm để có phương pháp xử trí kịp thời, nhằm giảm thiểu những con số nêu trên.
Bệnh tim mạch là bệnh lý không lây nhiễm, nhưng rất dễ mắc bệnh, khó chữa trị, phải điều trị kiên trì, tốn nhiều thời gian và chi phí khá tốn kém. Bệnh dù nặng hay nhẹ cũng sẽ ảnh hưởng tới tinh thần, tâm lý, sức khỏe, kinh tế… của người bệnh và gia đình.
Bệnh tim mạch không chỉ liên quan tới yếu tố di truyền, bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, tuổi cao, rối loạn lipid máu,... mà còn liên quan mật thiết với chế độ ăn uống, sinh hoạt và lối sống của mỗi cá nhân. Trong đời sống sinh hoạt thường ngày, việc ăn mặn, lạm dụng các loại gia vị sẵn, ăn ít rau xanh, nhiều chất béo không tốt, thừa cân, béo phì cùng với lối sống ít vận động, sử dụng quá nhiều chất kích thích như hút thuốc lá, uống rượu bia, căng thẳng, lo âu thường xuyên là nguyên nhân góp phần gây bệnh tim mạch và làm nó trở nên phổ biến hơn. Đây cũng chính là nguyên do khiến bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa. Hiện nay, béo phì đã trở thành vấn đề của toàn thế giới, nhất là ở trẻ em, cứ 10 trẻ thì có một trẻ bị béo phì. Béo phì lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác như mỡ máu cao, đái tháo đường, tăng huyết áp cùng các bệnh về chuyển hóa. Nếu không kiểm soát được các yếu tố nguy cơ này thì tỉ lệ mắc bệnh tim mạch sẽ gia tăng không có điểm dừng.
Bệnh lý tim mạch thường biểu hiện ra bên ngoài bởi những dấu hiệu sau: Đau thắt ngực, cơn đau có tính chất đè ép vùng giữa xương ức, ngực trái, có thể lan lên cằm, vai, cánh tay trái; cảm giác bóp nghẹn, kèm hồi hộp trống ngực, vã mồ hôi, thậm chí là ngất lịm; Khó thở, khó thở khi gắng sức, người bệnh cảm nhận được như mình bị thiếu oxy; Huyết áp tăng cao độ ngột; Tím tái, môi và đầu chi tím đen cũng là một triệu chứng có thể gặp. Ngoài ra, trường hợp bệnh lý mạch máu não có các dấu hiệu chỉ điểm: Yếu nửa người, nói ngọng hoặc nói lung tung, nói khó, miệng méo.
Có 2 bệnh tim và mạch máu rất quan trọng, cần đặc biệt lưu ý để được chẩn đoán và cấp cứu xử trí kịp thời để giảm thiểu nguy cơ tử vong và di chứng tàn phế cho người bệnh chính là nhồi máu cơ tim cấp và tai biến mạch máu não (đột quỵ não). Cả hai bệnh lý này đều có khung giờ vàng để có thể giúp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.
Những người trẻ thường bỏ qua những triệu chứng thoáng qua, chủ quan với bệnh và không có biện pháp phòng ngừa, xử trí sớm làm gia tăng tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ở người trẻ.
Bên cạnh những yếu tố không thể thay đổi được như di truyền, chủng tộc, tuổi cao,...thì việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được sẽ giúp chúng ta có được một trái tim khỏe mạnh và hệ thống mạch máu bền vững.
Trước hết, thay đổi lối sống sinh hoạt là vô cùng cần thiết. Đây là việc tưởng như đơn giản nhưng lại thực sự khó và cần sự kiên trì bởi nếp sống đã là thói quen thường ngày mà thói quen thì thường khó từ bỏ. Bạn nên bắt đầu nhận ra những gì cần thay đổi và từ từ từng bước từng bước một thay đổi để tạo ra những thói quen tốt cho sức khỏe tim mạch. Bạn nên chăm chỉ vận động, rèn luyện thể dục thể thao phù hợp với bản thân, hạn chế thức khuya, từ bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, học cách giải tỏa những căng thẳng, stress trong cuộc sống đầy áp lực.
Đồng thời, chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể sẽ giúp bạn cải thiện được chất lượng cuộc sống cùng việc phòng tránh bệnh tật. Nếu bạn ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp và gia tăng các yếu tố nguy cơ kèm theo; lựa chọn thực phẩm chứa nhiều cholesterol sẽ dẫn tới nguy cơ xơ vữa động mạch (nhất là động mạch vành gây thiếu máu cơ tim); lạm dụng rượu bia, hút nhiều thuốc lá, thuốc lào làm tổn thương nội mạc mạch máu và gây ra nhiều bệnh lý tim mạch đi kèm.
Một điểm người bệnh cần lưu ý là bệnh tim mạch và các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, rối loạn lipid máu,..có mối quan hệ mật thiết qua lại với nhau; vì vậy, phải tuần thủ nghiêm ngặt nguyên tắc điều trị, điều trị lâu dài và kiền trì.
Nhiều nghiên cứu thống kê đã chỉ ra rằng cứ 3 trường hợp tử vong tại bệnh viện thì có 1 ca tử vong do bệnh tim mạch; và có khoảng 80% các biến cố tim mạch có thể phòng ngừa nếu ta tầm soát sớm, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và đến cơ sở y tế kịp thời.
Nếu trái tim ngừng đập, máu ngừng tuần hoàn thì các cơ quan bộ phận khác trong cơ thể cũng không thể tồn tại được. Chúng ta thường bị lo lắng về bệnh ung thư nhưng lại quên rằng bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Do vậy, chúng ta hãy chung tay để bảo vệ sức khỏe của chúng bạn và người thân.
Biên tập bởi Cardocorz - Dong riềng đỏ