Nắng nóng kéo dài làm tăng nguy cơ đột quỵ

17/06/2019 - Lượt xem: 2263

Nắng nóng oi bức kéo dài khiến cho tỉ lệ người mắc bệnh tim mạch nói chung và đột quỵ nói riêng tăng cao, đặc biệt là ở người cao tuổi. Theo thông tin của trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, mùa hè năm nay còn có nhiều đợt nắng nóng khắc nghiệt. Vậy, phải làm gì để giảm thiểu tối đa được nguy cơ tim mạch và đột quỵ trong mùa hè này.

Thời tiết nắng nóng thất thường và nguy cơ đột quỵ

Theo nguồn tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, mùa hè năm nay có nhiều đợt nắng nóng khắc nghiệt, xảy ra trên diện rộng ở khắp cả nước. Nền nhiệt cao phổ biến từ 35-38 độ, có những nơi nắng gay gắt trên 40°C. Nắng nóng kéo dài xen lẫn những đợt áp thấp là hình thái thời tiết tạo thuận lợi cho đột quỵ và các bệnh mãn tính gia tăng.

Thời tiết nắng nóng khiến người bệnh căng thẳng, mệt mỏi, nền nhiệt của cơ thể tăng lên, dễ gây mất nước, làm máu trở nên đặc hơn và tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi nhiệt độ ở từ 32°C trở lên thì nguy cơ nhồi máu não của người cao tuổi càng tăng cao. 

Bên cạnh đó, ở những người bệnh vốn mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, rối loạn nhịp tim,... luôn tiềm ẩn nguy cơ bị đột quỵ, cộng thêm thời tiết nắng nóng bất thường sẽ càng làm khả năng đột quỵ do huyết áp, tim mạch hoặc sốc nhiệt gây ra. Với mức nhiệt ngoài trời cao, khiến bất cứ ai, cả người khỏe lẫn người bệnh, dù ít hay nhiều đều bị thay đổi thói quen sinh hoạt như dễ cáu giận, hay bị ức chế; ra mồ hôi nhiều gây mất nước, điện giải; quên không uống thuốc; ngại vận động vì nắng gắt, không kiểm soát được huyết áp, chế độ ăn uống bị đảo lộn,... Chính tất cả những điều này đều làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Biểu hiện đột quỵ cần cảnh giác

Đột quỵ là tình trạng cấp tính, nguy hiểm, làm tổn thương bộ phận có liên quan, có thể tổn thương không hồi phục, để lại di chứng tàn tật, thậm chí là tử vong; phân ra đột quỵ não và đột quỵ tim.

Đột quỵ não xảy ra do 2 nguyên nhân chính là do nhồi máu não- việc cung cấp máu đến một bộ phận não đột ngột bị ngưng trệ (tắc mạch) hoặc do xuất huyết não- chảy máu não (vỡ mạch) khiến máu trong mạch thoát ra tràn vào mô não phá hủy và chèn ép mô não.

Đột quỵ tim (còn gọi là nhồi máu cơ tim cấp) là tình trạng một vùng cơ tim bị hoại tử do không được cung cấp máu chủ yếu do mảng xơ vữa hoặc cục máu đông gây tắc nghẽn hoàn toàn một nhánh mạch vành cung cấp máu cho vùng cơ tim đó. Nguyên nhân có thể do huyết khối, mảng xơ vữa động mạch hoặc do tình trạng co thắt mạch vành nặng.

Những biểu hiện đột quỵ dưới đây bạn nên cố gắng ghi nhớ và hết sức cảnh giác:

  • Dấu hiệu ở tay, chân: Đột nhiên cảm thấy một nửa người yếu, tay chân một bên trở nên tê mỏi, khó cử động.
  • Dấu hiệu qua giọng nói: Nói ngọng nói khó bất thường, người bệnh cảm thấy môi lưỡi bị tê cứng, miệng khó mở.
  • Dấu hiệu thần kinh: Đau nhức đầu dữ dội không rõ nguyên nhân; đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến khi bị đột quỵ.
  • Dấu hiệu ở mặt: tự nhiên bị méo miệng, nhân trung lệch, rãnh mũi má bên yếu bị rũ xuống, khi nói cười thấy rõ miệng méo.
  • Dấu hiệu qua nhận thức: Mắt nhìn mờ, hoa mắt chóng mặt; rối loạn trí nhớ, ù tai,...
  • Cơn đau thắt ngực: Người bệnh cảm thấy đau ở vùng giữa ngực sau xương ức, đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị, ra sau lưng hoặc hướng lan lên vai trái rồi xuống tay trái, có khi xuống tận ngón tay. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức, xúc cảm mạnh, thay đổi thời tiết(nhất là gặp lạnh); một số trường hợp xuất hiện về đêm, khi thay đổi tư thế hoặc khi kèm cơn nhịp nhanh.
  • Dấu hiệu khác: Khó thở, hồi hộp trống ngực, vã mồ hôi, ngất xỉu,...

Tuy nhiên, các dấu hiệu như đột ngột chóng, hoa mắt chóng mặt, đau nhức đầu khá giống với tình trạng say nắng nên nhiều khi khó phát hiện.

Ngày nay, đột quỵ không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà còn xuất hiện nhiều ở những đối tượng trẻ tuổi, nhất là những người trẻ lạm dụng rượu bia, sử dụng các chất gây nghiện, thuốc lá, áp lực công việc, cuộc sống lớn,... Tỉ lệ người trẻ phải nhập viện vì đột quỵ trong mùa nắng nóng này có xu hướng tăng nhanh và đột biến.

Phòng tránh đột quỵ vào mùa nóng

Đứng trước sự biến đổi khí hậu, nhiệt độ ngày càng tăng, nắng ngày càng trở nên gắt, chúng ta nên cùng nhau phòng tránh đột quỵ bằng những cách sau:

Uống đủ nước

Chúng ta nên uống đủ nước một cách chủ động. Trung bình cần uống khoảng 1,5 - 2 lít nước/ngày. Bạn không nên đợi đến khi có cảm giác khát nước thì mới uống mà hãy chủ động uống. Nên bổ sung thêm vitamin, muối khoáng bằng nước hoa quả, nước đỗ đen, trà thảo dược,... không nên lạm dụng uống nước có gas, có cồn (kể cả bia hơi)

Chế độ ăn uống

Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng khiến cơ thể mệt mỏi, chán ăn thích những đồ mát lạnh để giải nhiệt. Nhưng dù ở bất kì thời tiết nào, cũng cần phải cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, bổ sung nhiều loại rau xanh, trái cây tươi để tăng cường sức đề kháng. Nhưng không nên uống nước lạnh một hơi dài, khiến đường tiêu hóa không thể chịu nổi. Các thực phẩm lạnh đều làm ảnh hưởng tới hoạt động đường ruột gây bị đau bụng và bị rối loạn tiêu hóa. Luôn đảm bảo ăn chín uống sôi.

Những người bệnh tim và huyết áp thì lại càng không nên uống nước lạnh vì điều đó có thể khiến cho mạch máu bị co thắt đột ngột, gây đau thắt ngực .

Chế độ sinh hoạt

Cần hạn chế đi lại ngoài trời vào những thời điểm nắng gay gắt nhất trong ngày (khoảng từ 11h-15h, đối với người cao tuổi thì khoảng thời gian cần hạn chế là từ 10h đến16h). Nếu cần phải đi ra ngoài, bạn cần che chắn, chống nắng kĩ như thoa kem chống nắng, đeo khẩu trang, mũ áo chống nắng,...

Khi sử dụng điều hòa, bạn cần lưu ý bật điều hòa ở mức từ 25-27°C (không nên chênh lệch quá 7°C so với nhiệt độ ngoài trời). Không để điều hòa thổi thẳng vào mặt vì dễ gây khô mũi, miệng, viêm họng, gây chóng mặt do mất thăng bằng nhiệt độ trong và ngoài cơ thể; thậm chí điều ngày còn tăng nguy cơ làm bạn bị liệt dây thần kinh mặt. Không nằm điều hòa ngay sau khi tắm vì nó ảnh hưởng xấu tới hoạt động của tim và huyết áp. Trước khi ra khỏi phòng điều hòa, nên tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể kịp thích nghi với không khí nóng bên ngoài.

Không nên tắm ngay khi đi nắng về, tắm nhiều lần trong ngày và tắm đêm. Nếu tắm ngay khi đi nắng về hoặc nước quá lạnh sẽ khiến nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột, vi mạch co lại đột ngột cản trở tuần hoàn của máu, gây cảm lạnh, ảnh hưởng tới nhịp tim, huyết áp và có nhiều trường hợp đột quỵ vì điều này.

Về việc rèn luyện thể lực

Cho dù bất kì ở thời tiết nào thì rèn luyện thể lực cũng rất tốt cho sức khỏe nếu thực hiện đúng cách. Mùa nóng có thể lựa chọn các phương pháp luyện tập trong nhà như yoga, chạy trên máy chạy bộ, tập các bài thể dục trong nhà. Hoặc đợi khi trời tắt nắng nhiệt độ ngoài trời giảm xuống thì mới ra ngoài đi tập. Không tập luyện quá gắng sức, xen kẽ các bài tập là thời gian nghỉ ngơi thư giãn và bổ sung nước cho cơ thể.

Chế độ dùng thuốc và kiểm tra sức khỏe định kỳ

Đối với những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu,... cần phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để kiểm soát được bệnh cũng là kiểm soát được yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Nên đặt thuốc ở vị trí dễ nhớ, nếu cần có thể đặt báo thức để nhắc nhở về việc uống thuốc, đừng vì nắng nóng mệt mỏi mà quên đi việc cần làm quan trọng này.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng không thể bỏ qua để phát hiện sớm và điều trị đúng cách những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa tới sức khỏe. Mùa hè, trời sáng rất sớm, do vậy có thể lựa chọn thời điểm đi khám vào buổi sáng để có thể tránh được nắng nóng. Nếu có bất kì biểu hiện gì nghi ngờ đột quỵ như đã mô tả ở trên thì hãy tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời. Nhất là trong những ngày nắng nóng, những người đã có sẵn yếu tố nguy cơ đột quỵ, thì bản thân và gia đình cần chung tay giúp người bệnh kiểm soát các yếu tố này để phòng tránh tốt nhất.

Biên tập bởi Cardocorz – Cao Dong riềng đỏ

02439036266