Đừng chủ quan với bệnh mạch vành ở nam giới

27/03/2019 - Lượt xem: 2521

Bệnh mạch vành là căn bệnh thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Có nhiều yếu tố nguy cơ khiến cho một người dễ mắc bệnh như bị tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tuổi cao, ít vận động, béo phì... Ngoài ra nam giới là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn nữ giới.

Tại sao nam giới dễ mắc bệnh mạch vành hơn nữ giới?

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc nam giới có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn nữ giới.

Nguyên nhân đầu tiên: Nam giới thường có những thói quen không tốt cho sức khỏe và tim mạch, điển hình là hút thuốc, uống rượu bia. Theo kết quả điều tra về sử dụng thuốc lá ở Việt Nam trong năm 2010 của Bộ Y tế, có 47,4% nam - so với chỉ có 1,4% nữ - đang hút thuốc lá. Hút thuốc lá được xem là có liên quan đến 30% trường hợp tử vong do bệnh tim mạch. Có những nghiên cứu cho thấy hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành lên 2-4 lần.

Về việc uống rượu bia, thống kê cho thấy với ba tỷ lít rượu bia tiêu thụ trong năm 2013, Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ rượu bia nhiều nhất ở Đông Nam Á và thứ ba ở châu Á (sau Nhật Bản và Trung Quốc); trong đó, mức tiêu thụ trung bình rượu bia trong năm của nam giới người Việt là 27,4 lít, gấp bốn lần mức trung bình toàn cầu.

Nhiều tác hại của việc lạm dụng rượu với hệ tim mạch đã được ghi nhận. Uống rượu nhiều làm tăng nồng độ chlesterol "xấu" trong máu, gây tổn thương thận và thành mạch máu, đưa đến tăng huyết áp. Bên cạnh đó, rượu là thức uống giàu năng lượng, uống nhiều dẫn đến béo phì, mắc bệnh đái tháo đường. Tất cả những điều trên là yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Nguyên nhân thứ hai: là do nam giới có thể thường xuyên gặp stress do các áp lực trong công việc, cuộc sống với gánh nặng là trụ cột gia đình, phải ra ngoài xã hội giao tiếp, làm việc... Stress là yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành...

Nguyên nhân thứ ba: nam giới thường có lối sống ít điều độ hơn nữ giới như thói quen ăn nhiều thịt đỏ, ăn ít rau quả, sử dụng thực phẩm ăn liền có nhiều chất béo, bỏ bữa, thức khuya, thường ít quan tâm đến chuyện khám bệnh hay các vấn đề sức khỏe... Những nói quen này đều không tốt cho sức khỏe và hệ tim mạch.

Một lý do nữa là ngoài các đặc điểm lối sống và xã hội về mặt cơ thể, nam giới mang nội tiết tố androgen, trong khi nữ giới có nội tiết tố estrogen là nội tiết tố có tính bảo vệ mạch máu khỏi các mảng xơ vữa, giúp giảm nguy cơ bệnh mạch vành. Vai trò bảo vệ của estrogen có vẻ rõ rệt hơn khi các nhà khoa học ghi nhận rằng nữ giới sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch sau tuổi mãn kinh.

Các biện pháp giúp nam giới phòng ngừa bệnh mạch vành:

Bệnh mạch vành tuy nguy hiểm nhưng điều đáng mừng là nếu áp dụng những biện pháp phòng ngừa với một lối sống điều độ, lành mạnh thì có thể giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization), mọi người đều có thể mắc bệnh tim mạch, đặc biệt ở tuổi trên 40. Việc phát hiện bệnh sớm nhằm có hướng xử trí kịp thời là hết sức cần thiết. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo nam giới nên tiến hành tầm soát bệnh tim mạch nếu là người trưởng thành trên 40 tuổi hoặc trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm hoặc thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch (đã biết có một hoặc một số tình trạng như mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, mắc bệnh thận hay thấp khớp, có hút thuốc).

Trong cuộc sống, nam giới cần áp dụng lối sống điều độ, lành mạnh để phòng ngừa bệnh tim mạch và bệnh mạch vành. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần lưu ý: tuyệt đối không hút thuốc; nếu có các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu thì cần theo dõi và điều trị ổn định các tình trạng này; thường xuyên vận động và tập thể dục ở mức vừa sức; có chế độ ăn hợp lý, ăn nhạt, ít mỡ, ăn nhiều chất xơ, không uống rượu bia...; tránh để thừa cân; sống vui khỏe, điều độ, có giờ giấc nghỉ ngơi, tránh để bị stress.

Ngoài ra, nam giới cũng nên biết một số triệu chứng có thể giúp nhận biết sớm các vấn đề tim mạch như: khó thở khi có những hoạt động gắng sức ở mức độ vừa phải; cảm giác nặng ngực, tức ngực; đau, tê, lạnh, yếu tay chân...

Chính vì vậy, nếu có một hoặc một số các triệu chứng như: đau thắt ngực; đau ngực liên quan gắng sức; khó thở nhiều; khó thở liên quan gắng sức; hồi hộp đánh trống ngực; hoa mắt, chóng mặt kéo dài; ngất..., cần cảnh giác và nên đi khám bệnh để được kiểm tra có hay không mắc các bệnh lý tim mạch và bệnh mạch vành".

Biên tập bởi Cardocorz – Dong riềng đỏ

02439036266