Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng âm nhạc trị liệu đem lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe tim mạch, có thể giúp giải tỏa căng thẳng, lo âu; tác động tốt tới nhịp tim, huyết áp, chức năng sinh lý của tim.
Campbell năm 1998 đã phát biểu hiệu quả của liệu pháp âm nhạc ( đặc biệt là nhạc của Mozart) giúp phục hồi bệnh lý rối loạn khả năng nghe và phát âm, học hỏi cũng như thay đổi cảm xúc, nâng cao tinh thần và sức khỏe.
Thông qua sự kích hoạt vùng nhận thức, âm nhạc giúp hoạt hóa hệ thống hóc môn trong cơ thể góp phần làm tăng chuyển hóa cơ bản hoặc giảm hoạt động sinh lý phụ thuộc trên cao độ và nhịp điệu của từng thể loại nhạc.
Ở những bệnh nhân tim mạch lớn tuổi với nhiều bệnh lý đi kèm thường có nhiều rối loạn phức tạp, lo lắng, thiếu vận động, ít giao tiếp, trầm cảm, dùng nhiều loại thuốc cùng một lúc,... liệu pháp âm nhạc tỏ ra có hiệu quả, giúp những người già, người bệnh mạn tĩnh như bệnh mạch vành, suy tim,... cải thiện được chất lượng cuộc sống một cách đáng kể.
Cơ chế của âm nhạc trong việc điều hòa huyết áp và nhịp tim vẫn chưa được chứng minh một cách tường tận, cặn kẽ. Nhiều nghiên cứu đưa ra giải thuyết rằng âm nhạc giúp kiểm soát và làm giảm nhịp thở của người nghe, thông qua việc điều hòa hệ thần kinh tự động làm giảm huyết áp, điều hòa tim mạch. Âm nhạc còn giúp thư giãn, giải tỏa căng thẳng, stress và góp phần làm giảm huyết áp.
Một số cơ chế khác đưa ra đó là âm nhạc tác động góp phần làm tăng thụ thể dopamine trong cơ thể qua hệ thống phụ thuộc calmudulin trong não, từ đó làm ức chế hoạt động của hệ thần kinh giao cảm thông qua thụ thể dopamine 2 và cuối cùng đưa đến kết quả làm giảm huyết áp.
Đồng thời, thông qua tác dụng làm giảm nhịp tim, liệu pháp âm nhạc còn làm tăng tác dụng của thuốc hạ áp khi phối hợp điều trị, đặc biệt là thuốc kiểm soát nhịp tim. Hơn nữa, âm nhạc còn giúp điều chỉnh sự chú ý của người nghe, thúc đẩy sự thư giãn về tinh thần và cơ thể, tăng cảm xúc tích cực, kết nối và hoạt hóa hệ thống viền trong não, kích thích tiết ra endorphins tác động lên hệ thống sinh lý cơ thể.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cần giảm được mức huyết áp tâm thu vào khoảng 5mmHg, sẽ làm giảm 7% tất cả mọi nguyên nhân gây tử vong, giảm 9% tử vong do bệnh mạch vành và giảm đến 14% nguyên nhân tử vong liên quan đến đột quỵ. Chính vì vậy, tác dụng của liệu pháp âm nhạc đến huyết áp và nhịp tim là rất tuyệt vời.
Trầm cảm, rối loạn lo âu và bệnh tim mạch tạo thành vòng xoắn củng cố lẫn nhau, là một mối quan hệ nhân quả. Những người bệnh tim mạch thường lo lắng về bệnh tật, suy nghĩ căng thẳng về bệnh, tự ti về bệnh của mình, có những người cho rằng mắc bệnh tim mạch là cuộc sống của mình từ nay sẽ hết đi tươi đẹp, hạn chế giao tiếp xã hội,... Chính những điều này đã làm trầm trọng hơn bệnh tim mạch.
Liệu pháp âm nhạc chính là giải pháp cho những người bệnh tim mạch, giúp họ giảm đi sự lo lắng, căng thẳng không cần thiết, giúp họ yêu đời hơn, cải thiện được chất lượng cuộc sống của chính họ và những người xung quanh họ.
Một số phương pháp người bệnh tim mạch có thể áp dụng khi trị liệu bằng âm nhạc như: Nghe nhạc; học cách thư giãn với âm nhạc, chơi các loại nhạc khí, hát những bài hát yêu thích trên nền nhạc hỗ trợ, viết lời bài hát, viết nhạc, sáng tác nghệ thuật với âm nhạc, học nhảy hoặc di chuyển trong không gian có âm nhạc,...
Bệnh tim mạch là một trong nhiều nguyên nhân gây tử vong, gây tàn tật trên thế giới và là “kẻ giết người lớn” ở nhiều nước. Liệu pháp âm nhạc với người bệnh tim mạch là một cách tiếp cận mới trong việc phối hợp điều trị bệnh tim mạch, mang lại niềm hi vọng mới, giúp người bệnh cải thiện việc điều trị, hạn chế tác dụng phụ của thuốc và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Biên tập bởi: www.cardocorz.vn