Người bệnh tim mạch ai nên dùng và không nên dùng aspirin?

21/06/2017 - Lượt xem: 3842

Aspirin là một thuốc dùng rất phổ biến trên toàn cầu và đã được dùng trên thế giới hơn một thế kỷ nay. Vậy trong bệnh lý tim mạch, những trường hợp nào nên dùng aspirin và trường hợp nào không nên dùng?

Aspirin thường được dùng để làm hạ sốt và giảm đau. Sự phổ biến của aspirin đến mức chúng ta có thể tự mua thuốc này ở bất cứ quầy thuốc, thậm chí cả trong các siêu thị của nhiều nước trên thế giới.

Vào thời điểm trước những năm 1970, aspirin được cho rằng không có lợi cho bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, hàng loạt các nghiên cứu lâm sàng trên hàng nghìn bệnh nhân tim mạch đã cho thấy aspirin là một hòn đá tảng trong dự phòng và điều trị nhồi máu cơ tim và tai biến mạch não. Aspirin đã trở thành một thuốc dùng phổ biến trong điều trị các bệnh lý động mạch vành, đặc biệt những bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim. Đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định aspirin là một thuốc rẻ tiền mà không thể bỏ qua trong điều trị bệnh lý tim mạch.

Những trường hợp nhồi máu cơ tim nên dùng aspirin dự phòng tái phát

Aspirin tác dụng như thế nào?

Aspirin làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và tai biến mạch não thông qua con đường dự phòng hình thành cục máu đông. Khi mạch máu của bạn bị xơ vữa gây tổn thương lớp nội mạc bên trong mạch máu sẽ là điều kiện thuận lợi cho hình thành các cục máu đông trong lòng mạch. Tình trạng tổn thương mạch máu của bạn có thể do các nguyên nhân như tăng huyết áp, tăng đường máu, tăng cholesterol máu và các độc chất từ thuốc lá. Các cục máu đông trong lòng mạch của bạn có thể làm tắc nghẽn mạch máu của bạn, nếu mạch máu đó là mạch máu nuôi tim sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, nếu mạch máu đó là mạch máu nuôi não sẽ dẫn đến tai biến mạch não.

Aspirin khi uống sau vài phút với tác dụng chống ngưng kết tiểu cầu sẽ giúp ngăn ngừa cục máu đông hình thành. Bệnh nhân có những mảng xơ vữa không ổn định, aspirin sẽ giúp làm giảm nhẹ độ nặng của nhồi máu cơ tim và tai biến mạch não cũng như dự phòng được nhồi máu cơ tim và tai biến mạch não.

Các “bất lợi” có thể xảy ra

Hầu hết tác dụng phụ của aspirin là trên dạ dày. Bệnh nhân thường có đau thượng vị do kích ứng dạ dày sau khi uống aspirin. Bạn có thể làm giảm tác dụng phụ này bằng cách uống thuốc sau khi đã ăn no. Trước đây, viên aspirin pH8 được đưa ra thị trường với mong muốn làm giảm tác dụng phụ lên dạ dày, tuy nhiên các nghiên cứu trên thế giới đã không cho thấy viên pH8 này có thể làm giảm nguy cơ này. Nguy cơ gây chảy máu dạ dày của aspirin khoảng 1 phần nghìn/mỗi năm. Chúng ta có thể hạn chế tác dụng phụ này bằng cách uống thêm các thuốc ức chế bơm proton như omeprazole. Một phần trăm bệnh nhân uống aspirin có thể bị dị ứng mà thường gây ra hen. Với những bệnh nhân dị ứng, chúng ta nên giải mẫn cảm. Sau khi giải mẫn cảm, bệnh nhân  nên dùng liên tục aspirin vì nếu dừng nó có thể dẫn tới tái dị ứng lại.

Những bệnh nhân nào nên dùng aspirin?

Theo khuyến cáo, aspirin được dùng cho bệnh nhân đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch não trước đó, sau phẫu thuật cầu nối động mạch vành và dự phòng huyết khối ở bệnh nhân sau phẫu thuật khớp háng.

Dùng aspirin ở người có đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hoặc đã đặt stent động mạch vành cho thấy, aspirin làm giảm nguy cơ các biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, tử vong do tim mạch) đến 25% ở bệnh nhân mới có nhồi máu cơ tim. Những bệnh nhân mới đặt stent hoặc nong động mạch vành, aspirin thường được cho cộng thêm một thuốc chống đông thứ hai như clopidogrel, prasugrel hoặc ticagrelor. Cần lưu ý, khi phối hợp hai thuốc kháng tiểu cầu có thể tăng nguy cơ làm chảy máu (10 trong 1.000 bệnh nhân điều trị trong 1 năm) khi so sánh dùng đơn độc aspirin.

Dùng ở người tai biến mạch não hoặc tai biến mạch não thoáng qua: aspirin giảm nguy cơ các biến cố tim mạch lớn tới 22% ở những bệnh nhân mới bị tai biến mạch não. Tuy nhiên, không phải tất cả tai biến mạch não đều dùng aspirin. Khoảng 1/6 bệnh nhân tai biến mạch não là do huyết khối từ tim bắn đi, trong những trường hợp này các thuốc chống đông khác như warfarin, dabigatran hoăc rivaroxaban có hiệu quả tốt hơn. Aspirin không thấy được bằng chứng lợi điểm khi dùng trong trường hợp tai biến mạch não do nhồi máu não.

Dùng ở người sau mổ cầu nối động mạch vành: aspirin làm giảm nguy cơ hỏng cầu nối ở 30% bệnh nhân sau mổ cầu nối động mạch vành.

Bệnh nhân sau mổ thay khớp háng: aspirin có thể ngừa được huyết khối gây nhồi máu phổi hoặc huyết khối mạch chi dưới ở những bệnh nhân sau phẫu thuật thay khớp háng. Aspirin có thể giảm 30% nguy cơ huyết khối tĩnh mạch chi hoặc nhồi máu phổi. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ thích dùng heparin, enoxaparin, fondaparinux, rivaroxaban hơn là aspirin ở những bệnh nhân này.

Những trường hợp dùng aspirin không hiệu quả

Khi chúng ta không có tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch não trước đó, nhưng tuổi chúng ta lớn hơn 50 (nghĩa là chúng ta định dự phòng nguyên phát): Các thử nghiệm đều cho thấy rằng dùng aspirin để dự phòng nguyên phát là không có lợi, thậm chí có hại hơn cho bệnh nhân. Nếu nguy cơ các biến cố tim mạch lớn trong 10 năm tới thấp hơn 10%, chúng ta không nên dùng aspirin cho những bệnh nhân này.

Bệnh nhân có bệnh động mạch ngoại vi (nếu bạn có cơn đau cách hồi hoặc đau khi nghỉ do blốc mạch chi): bất chấp tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch não, bệnh nhân bệnh động mạch ngoại vi không cho thấy lợi điểm khi dùng aspirin.

Nếu bạn có bệnh lý huyết khối tĩnh mạch sâu, aspirin không cho thấy bằng chứng hiệu quả trong dự phòng tái phát huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc nhồi máu phổi.

Đối với trường hợp có đái tháo đường mà chưa có tai biến mạch não hoặc nhồi máu cơ tim, các thử nghiệm lâm sàng đã không cho thấy hiệu quả dự phòng tiên phát bằng aspirin. Tuy nhiên, hầu hết các khuyến cáo lâm sàng hiện nay lại khuyên nên dùng aspirin để dự phòng nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân đái tháo đường.

TS.BS. Phạm Như Hùng (Tổng Thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam)

Theo suckhoedoisong.vn

02439036266