Rối loạn giấc ngủ do tăng huyết áp

13/07/2017 - Lượt xem: 3306

Trong cuộc sống thường ngày, bị bệnh tăng huyết áp có nguy cơ cao làm rối loạn giấc ngủ và ngược lại mất ngủ kéo dài là một trong những nguyên nhân có thể gây tăng huyết áp

Trong cuộc sống thường ngày, bị bệnh tăng huyết áp có nguy cơ cao làm rối loạn giấc ngủ và ngược lại mất ngủ kéo dài là một trong những nguyên nhân có thể gây tăng huyết áp, đặc biệt ở người trưởng thành, nhất là người tuổi cao. làm gì để khắc phục chứng rối loạn giấc ngủ đối với người tuổi đã cao?

>> Xem Thêm: Dấu hiệu cảnh báo sớm trục trặc tim mạch

Huyết áp là gì, khi nào được gọi là tăng huyết áp?

Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch.

Khi mất ngủ, cơ thể không được nghỉ ngơi, thần kinh mệt mỏi khiến huyết áp tăng
 Khi mất ngủ, cơ thể không được nghỉ ngơi, thần kinh mệt mỏi khiến huyết áp tăng

Ở người bình thường, huyết áp ban ngày cao hơn ban đêm (theo nhịp sinh học) đó là hoàn toàn bình thường. Huyết áp hạ xuống thấp nhất vào khoảng 1 - 3 giờ sáng khi ngủ say và huyết áp cao nhất từ 8 - 10 giờ sáng. Tuy vậy, đặc biệt có một số người cao tuổi bị tăng huyết áp, huyết áp thường tăng vào buổi chiều. Khi vận động, gắng sức thể lực, căng thẳng thần kinh (stress, nóng giận, bực tức hoặc khi xúc động mạnh..), rối loạn giấc ngủ kéo dài… đều có thể làm huyết áp tăng lên. Và ngược lại, khi cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn, thoải mái, ngủ tốt, ngủ đủ thời gian (khoảng 8 giờ/24h)… huyết áp có thể hạ xuống mức bình thường.

Huyết áp được thể hiện bằng 2 chỉ số, đơn vị đo áp lực là milimét thủy ngân (mmHg). Hai chỉ số đó là huyết áp tối đa (còn gọi là huyết áp tâm thu), bình thường từ 90 - 139mmHg. Huyết áp tối thiểu (còn gọi là huyết áp tâm trương), bình thường từ 60 - 89mmHg.
Vào năm 1978, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có quy định, khi nào huyết áp là 160/95mmHg được gọi là tăng huyết áp (THA), nhưng sau một năm (1999), WHO quy định lại là người bị THA khi chỉ số đo huyết áp từ 140/90mmHg trở lên, đồng thời WHO và Hội đồng Huyết áp thế giới đã phân độ THA, tăng độ I là khi huyết áp từ 140 - 159/90 - 99 mmHg; tăng độ II khi huyết áp từ 160 - 179/100 - 109mmHg và tăng độ III khi huyết áp từ 180/110mmHg trở lên. Và được WHO quy định huyết áp mục tiêu là huyết áp dưới 140/90mmHg, riêng người bị đái tháo đường, huyết áp mục tiêu là dưới 130/80mmHg.
Đa số các trường hợp tăng huyết áp ầm thầm, không có biểu hiện gì rõ ràng kể cả người còn trẻ và người cao tuổi, một số người tăng huyết áp, đặc biệt là người tuổi cao gây ra các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, khó chịu, bồn chồn khiến người bệnh hay trằn trọc khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ ít, không sâu, hay thức giấc mỗi một đêm (gọi là rối loạn giấc ngủ) và hậu quả là thiếu ngủ, mất ngủ. Khi mất ngủ khiến cơ thể không được nghỉ ngơi, thần kinh mệt mỏi khiến huyết áp tăng, thậm chí xuất hiện cơn tăng huyết áp kịch phát, thêm vào đó nếu có bệnh tim mạch cũng tăng lên, nặng hơn và lại gây mất ngủ. Tăng huyết áp gây rối loạn giấc ngủ, thêm vào đó có thể làm xuất hiện rối loạn tuần hoàn não (rối loạn tiền đình) biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và càng gây rối loạn giấc ngủ. Đó là một vòng luẩn quẩn đối với bệnh tăng huyết áp và mất ngủ kéo dài.

Nguyên nhân tăng huyết áp làm rối loạn giấc ngủ

Theo các chuyên gia y học, tăng huyết áp, bệnh tim mạch và mất ngủ có mối liên hệ mật thiết, chặt chẽ với nhau. Bởi vì, huyết áp là áp lực của máu trong thành mạch, ảnh hưởng bởi lực co bóp của cơ tim. Khi thức, vận động, tim và mạch máu phải hoạt động nhiều để đưa máu đi khắp các hệ cơ quan trong cơ thể và hồi lưu máu về tim và khi ngủ, tim được nghỉ ngơi nhiều hơn, các hoạt động khác ít hoạt động hoặc nghỉ ngơi hẳn. Như vậy, nếu ít ngủ, thiếu ngủ, ngủ chập chờn hoặc mất ngủ kéo dài, thường xuyên, tim và hệ mạch máu phải hoạt động nhiều hơn nên dễ gây ra các rối loạn dẫn đến bệnh tăng huyết áp, tim mạch, nếu sẵn có tăng huyết áp, bệnh tim mạch, mất ngủ kéo dài sẽ làm bệnh tăng nặng thêm, thậm chí gây biến chứng.

 

Tập thể dục nhẹ nhàng là việc làm hết ức cần thiết cho giấc ngủ của người cao tuổi

Làm gì để giấc ngủ tốt?

Trước hết để ngủ tốt cần duy trì được huyết áp ở mức huyết áp mục tiêu (dưới 140/90mmHg, riêng người cao tuổi bị đái tháo đường, huyết áp mục tiêu là dưới 130/80mmHg), có nghĩa là phải uống thuốc làm giảm huyết áp một cách đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt không thay đổi thuốc, không quên uống thuốc và không được tăng hoặc giám liều lượng khi chưa có chỉ định của bác sĩ theo dõi sức khỏe (khám bệnh) cho mình. Cần có chế độ ăn uống hợp lý để không tăng mỡ máu hoặc đã tăng mỡ máu ngoài việc uống thuốc, cần hạn chế ăn các loại thực phẩm có khả năng làm tăng mỡ máu (thịt đỏ, lòng, mỡ động vật, tôm…), bởi vì, mỡ máu, huyết áp và bệnh tim mạch có liên quan mật thiết với nhau. Không nên ăn những thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ (thức ăn chiên, rán…). Hạn chế chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Thường xuyên giữ tâm lý thoải mái, thật kiềm chế khi có tác động tâm lý (hờn dỗi, mắng, chửi…).

Theo suckhoedoisong.vn

02439036266