>> Xem Thêm: Bố mẹ bạn có đang mắc suy tim
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, ở những người 32-46 tuổi, thậm chí một mảng bám nhỏ có thể làm tăng gấp 5 lần nguy cơ bệnh tim trong 12 năm sau. “Bệnh tim thực sự bắt đầu từ giai đoạn vị thành niên và đầu lứa tuổi trưởng thành”, người dẫn đầu nghiên cứu tiến sĩ Jeffrey Carr cho biết.
Trong nghiên cứu này, hơn 3.000 người tham gia tuổi trung bình là 40 được chụp CT để phát hiện những mảng bám nguy hiểm. Các tác giả cho biết, chỉ một lượng mảng bám nhỏ cũng làm tăng nguy cơ đau tim, bất kể các yếu tố nguy cơ khác.
Tuy nhiên, tiến sĩ Carr giải thích rằng: “Chúng tôi không nghĩ thông điệp ở đây là mọi người nên đi chụp CT ngay”. Tuy nhiên, những người có các báo động đỏ về bệnh tim khi còn trẻ - như tăng huyết áp, cholesterol cao, thừa cân hoặc hút thuốc lá – nên cân nhắc chụp CT để xem liệu có nguy cơ cao không.
Theo Hiệp hội Tim Mỹ, mảng bám gồm cholesterol, chất béo, chất thải tế bào, calci và fibrin. Carr cho biết, sự xuất hiện vôi hóa sớm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như di truyền, chế độ ăn và lối sống. Còn chưa rõ cách để loại bỏ các mảng bám, song duy trì lối sống tốt cho tim có thể giúp ích.
“Nghiên cứu này ủng hộ ý kiến cho rằng bệnh ở động mạch vành bắt đầu sớm, trước khi cơn đau tim thực sự xảy ra”, tiến sĩ Byron Lee thuộc Đại học California, San Francisco cho biết.
Ngay cả những người không có triệu chứng cũng có thể tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong, điều này cho thấy cần thiết phải giảm các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được, như giảm huyết áp và cholesterol, duy trì cân nặng lành mạnh, không hút thuốc và ăn uống khoa học.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí JAMA Cardiology ngày 8/2.
Theo suckhoedoisong.vn