Cách chặn nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch

26/06/2017 - Lượt xem: 3256

Triglyceride là một thành phần của lipid trong máu - chất béo được tạo ra từ lượng calo cơ thể dư thừa sau khi ăn và lưu lại dưới dạng chất béo, nhất là mỡ quanh bụng

Triglyceride là một thành phần của lipid trong máu - chất béo được tạo ra từ lượng calo cơ thể dư thừa sau khi ăn và lưu lại dưới dạng chất béo, nhất là mỡ quanh bụng. Nếu tiêu thụ nhiều calo qua ăn uống dễ gây ra tình trạng triglyceride máu cao, làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc cơn đau tim và các biến chứng tim mạch khác.

Xem thêm: >> Nitroglycerin trong điều trị bệnh tim mạch, những điều cần biết

                  >> Cây dong riềng đỏ chữa bệnh mạch vành

Sự khác biệt giữa triglyceride  và cholesterol

Cả triglyceride và cholesterol đều là chất béo trong máu. Triglyceride được lưu trữ để sử dụng làm năng lượng, cholesterol được sử dụng để hình thành tế bào và nội tiết tố. Cả triglyceride và cholesterol lưu hành trong máu và đi khắp cơ thể, không hòa tan trong máu và được vận chuyển thông qua các lipoprotein. Dư thừa của một trong hai chất này đều có hại cho sức khỏe.

Nguyên nhân triglyceride máu cao

Có nhiều nguyên nhân làm tăng triglyceride máu, bao gồm:

Kém kiểm soát bệnh đái tháo đường týp 2 hoặc kém kiểm soát glucose máu: Khi bệnh đái tháo đường hoặc glucose máu không được kiểm soát tốt có thể làm tăng triglyceride máu. Tuy nhiên, nồng độ triglyceride máu sẽ quay trở lại mức bình thường nếu giảm lượng đường trong máu của bạn.

Triglyceride máu cao gây nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim và nhồi máu cơ tim.

Chế độ ăn uống nhiều chất béo, đường và carbohydrate: ăn nhiều thức ăn chứa nhiều đường và chất béo bão hòa sẽ có nguy cơ cholesterol máu cao dẫn đến tăng triglyceride máu, đặc biệt nếu tiêu thụ hầu hết các calo dưới các dạng carbohydrate khác nhau.

Suy giáp (nồng độ hormon tuyến giáp thấp): đôi khi do một số bệnh lý tuyến giáp, tuyến giáp không sản xuất đủ hormon làm cho nồng độ triglyceride và cholesterol máu có thể cao. Khi dùng thuốc để tăng nồng độ hormon tuyến giáp, nồng độ triglyceride sẽ trở lại bình thường.

Uống rượu thường xuyên: uống đồ uống có cồn thường xuyên có thể làm tăng nồng độ triglyceride. Cần tránh uống rượu.

Bệnh thận mạn tính: khi nồng độ HDL thấp (cholesterol tốt) và triglyceride cao có thể là một dấu hiệu của bệnh thận. Nên gặp bác sĩ để được đánh giá thêm.

Di truyền: đôi khi nồng độ triglyceride cao là do yếu tố di truyền. Nếu các thành viên khác của gia đình có cholesterol hoặc triglyceride máu cao, bạn cũng có thể có nguy cơ cao của tăng triglyceride máu.

Dư thừa mỡ bụng: sự tích tụ nhiều mỡ xung quanh bụng sẽ gây ra các phản ứng hóa học gây khó khăn kiểm soát nồng độ triglyceride máu trong giới hạn bình thường và khỏe mạnh.

Ít vận động: tập thể dục giúp nồng độ HDL sẽ ở mức độ lành mạnh. Nếu lười hoạt động thể chất, HDL có thể giảm đáng kể và tăng triglyceride máu.

Dùng thuốc: Một số thuốc có thể gây triglyceride cao như thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu, estrogen, retinoid, corticoid và thuốc ức chế protease.

Hậu quả của triglyceride máu cao

Tăng triglyceride máu gây nguy cơ xơ vữa động mạch (thành động mạch dày lên hoặc xơ cứng động mạch) làm gia tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ, bệnh tim và nhồi máu cơ tim.

Triglyceride cao thường là một dấu hiệu của các bệnh như béo phì, viêm tụy, bệnh tăng huyết áp, hội chứng chuyển hóa, suy giáp, bệnh gan, đái tháo đường týp 2, bệnh thận hoặc là dấu hiệu của một phản ứng bất lợi với một số thuốc nhất định.

Làm thế nào để giảm nồng độ triglyceride máu?

Để giảm triglyceride trong máu tốt nhất là thay đổi lối sống:

Giảm trọng lượng cơ thể: Mất 5-10% trọng lượng hiện tại có thể làm giảm nồng độ triglycerid 20%. Giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 23 hoặc ít hơn nhưng trên 18,5 (dành cho người châu Á). Nếu chỉ số BMI trên 23 là thừa cân và trên 25 là đang bị béo phì, cần giảm ngay cân nặng. Kiểm soát vòng eo trong giới hạn cho phép: Đàn ông <90cm. Phụ nữ <80cm theo chuẩn người châu Á.

Giảm lượng calo: Cơ thể tiêu thụ nhiều calo sau đó tạo thành chất béo dự trữ. Do đó, nếu giảm lượng calo có thể giúp làm giảm nồng độ triglycerid. Ngoài ra, hạn chế ăn những loại thức ăn có nhiều đường và carbohydrate vì chúng có thể làm tăng nồng độ triglycerid. Tăng cường chất xơ bằng ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc.

Chọn chất béo lành mạnh: Giảm lượng chất béo bão hòa và không bão hòa đơn, cần tăng cường tiêu thụ axit béo omega-3 để thay thế. Chọn chất béo lành mạnh như dầu đậu phộng, dầu ôliu và dầu canola. Ăn cá thay cho thịt đỏ, đặc biệt cá hồi cho hàm lượng axit béo omega-3 cao.

Chế độ tập luyện hằng ngày: tập thể dục thường xuyên mỗi ngày ít nhất 30 phút làm tăng nồng độ HDL và làm giảm triglyceride máu. Tốt nhất là đi bộ, chạy bộ hoặc bơi lội.

Uống đồ uống có ít rượu hoặc chứa ít đường và calo: Cần hạn chế tiêu thụ rượu bia vì gây tăng triglyceride.

Thuốc và các chất bổ sung: Đôi khi những thay đổi trong lối sống là không đủ để làm giảm nồng độ triglyceride. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc bổ sung giúp giảm triglyceride: Dùng liều cao dầu cá có chứa axit béo omega-3; các thuốc statin để cân bằng lượng cholesterol tốt và xấu; các thuốc fibrate giảm mỡ trong máu; niacin hoặc acid nicotinic. Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng vì có các tương tác không mong muốn với các thuốc khác.

Tóm lại: Ngay cả bác sĩ đã kê toa thuốc để ngăn chặn triglyceride máu cao vẫn nên lựa chọn lối sống lành mạnh. Thực tế đã chứng minh rằng nếu không thực hiện thay đổi lối sống lành mạnh đi kèm với dùng thuốc, nguy cơ đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim vẫn không giảm theo mong muốn. Tập thể dục, chế độ ăn uống tốt và chọn lối sống lành mạnh là chiến lược tốt nhất để ngăn chặn triglyceride máu cao và hạn chế các biến chứng do tăng triglyceride máu gây ra.

* Để định lượng triglyceride máu cần làm xét nghiệm máu. Bình thường, chỉ số này trong máu dưới 150mg/dL (hay dưới 1,7mmol/L); 150-199mg/dL (1,8-2,2 mmol/L) là tăng nhẹ; 200-499mg/dL (2,3-5,6 mmol/L) là tăng cao và hơn 500 mg/dL (trên 5,7mmol/L) là rất cao.

Theo suckhoedoisong.vn

02439036266