Chuyên gia tim mạch hướng dẫn nhận biết sớm cơn đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim

20/09/2018 - Lượt xem: 81133

Đau thắt ngực là một trong những lý do chính để người bệnh đi khám tim mạch. Cơn đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim có biểu hiện như thế nào? Khi nào phải đi khám bác sĩ? Chuyên gia Viện Tim mạch hướng dẫn nhận biết sớm cơn đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim qua clip giáo dục sức khỏe này.

Đau thắt ngực là một trong những biểu hiện điển hình của bệnh thiếu máu cơ tim và cũng là lý do khiến người bệnh phải đi khám tim mạch. Vậy, nhận biết cơn đau thắt ngực trong bệnh thiếu máu cơ tim như thế nào? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu dưới đây.

Chuyên gia tim mạch nói về đặc điểm của cơn đau thắt ngực - Nguồn: www.suckhoedoisong.vn - Bộ Y tế

Các hình thái của cơn đau thắt ngực

Trong cơ thể, khi có những bất thường sẽ biểu hiện bằng đau, phụ thuộc vào ngưỡng đau của mỗi người. Cơn đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim thường xảy ra ở ngực bên trái (vị trí của quả tim). Khi tim bị thiếu máu thì biểu hiện đầu tiên chính là đau thắt ngực. Các hình thái của cơn đau thắt ngực do bệnh thiếu máu cơ tim được mô tả rất khác nhau ở từng bệnh nhân. Đau thắt ngực có thể biểu hiện kín đáo, chỉ khi người bệnh gắng sức, nhu cầu sử dụng oxy của cơ thể người bệnh tăng lên khiến lượng máu trở nên thiếu tương đối so với nhu cầu cơ thể và bắt đầu có biểu hiện đau. Cơn đau có thể chỉ thoáng qua, trong thời gian ngắn sau đó phục hồi bình thường hoặc có những cơn đau thắt ngực kéo dài từ vài phút đến hàng giờ và người bệnh có thể gặp phải những biến cố sức khỏe do tình trạng thiếu máu cơ tim kéo dài. Đôi khi, người bệnh không có biểu hiện đau thắt ngực mà chỉ cảm thấy hồi hộp trống ngực, cảm giác nặng ngực, cảm giác nhói vùng ngực trái,...

Mặt khác, cơn đau thắt ngực có thể dự báo sự nguy hiểm đang cận kề; đó là người bệnh cảm thấy đau ngực bất cứ lúc nào, ngay cả khi không phải gắng sức hoặc làm những việc nặng mới đau, mà thậm chí đau cả khi nghỉ nghơi, nằm ngủ,...; có những trường hợp người bệnh đang nằm ngủ phải thức dậy vì đau. Đây chính lá dấu hiệu cảnh báo tình trạng thiếu máu cơ tim đã trở nên nghiêm trọng. Khi có những dấu hiệu đó, bắt buộc người bệnh phải đi khám bệnh để xem đó là tình trạng gì.

Nhận biết cơn đau thắt ngực điển hình trong bệnh thiếu máu cơ tim

Khoảng 70% các trường hợp người bệnh bị bệnh thiếu máu cơ tim không có bất kỳ biểu hiện gì (gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng). Cơn đau thắt ngực điển hình trong bệnh thiếu máu cơ tim được mô tả như sau:

Cơn đau thường xuất hiện ở vùng giữa ngực sau xương ức, đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị, ra sau lưng hoặc hướng lan lên vai trái rồi xuống tay trái, có khi xuống tận ngón tay. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức, xúc cảm mạnh, thay đổi thời tiết(nhất là gặp lạnh); một số trường hợp xuất hiện về đêm, khi thay đổi tư thế hoặc khi kèm cơn nhịp nhanh.

Thời gian đau thường kéo dài khoảng 5-10 phút, có thể kéo dài hơn, nhưng thường không quá 20 phút. Nếu tình trạng đau ngực kéo dài hơn và xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi, kéo dài trong nhiều ngày cần nghĩ đến Nhồi máu cơ tim. Tần suất cơn đau thắt ngực không cố định, có thể vài tuần hoặc vài tháng một lần, nhưng năng hơn là vài lần một ngày.

Cần làm gì khi bị đau thắt ngực

Khi bị bạn hoặc người thân có cơn đau thắt ngực, tùy biểu hiện mức độ của cơn đau mà có những cách xử trí khác nhau. Nếu cơn đau nhẹ, thoáng qua, nghỉ ngơi lại hết thì trước người bệnh cần phải được nghỉ ngơi, loại bỏ các hoạt động gắng sức và có kế hoạch đi khám càng sớm càng tốt. Nếu xuất hiện cơn đau thắt ngực điển hình như đã mô tả ở trên hoặc cơn đau khác thường, người bệnh chưa hề đau như vậy bao giờ thì cần đến bệnh viện để được xử trí kịp thời, tránh gặp những biến cố tim mạch nguy hiểm. Hai biến cố tim mạch lớn nhất chính là nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Nếu đợi đến khi người bệnh có biểu hiện đau thì mới đi khám và điều trị thì đã muộn. Do đó, để ngăn chặn bệnh, chúng ta cần điều trị những yếu tố nguy cơ tim mạch. Những yếu tố nguy cơ tim mạch có thể là: tình trạng rối loạn lipid máu (rối loạn mỡ máu); lười vận động; thừa cân, béo phì, stress, hút thuốc lá … Muốn ngăn chặn bệnh mạch vành thì phải điều chỉnh chế độ ăn uống, ăn thức ăn gì, loại gì, và dùng những thuốc nào để cho cholesterol máu (mỡ máu) không bị rối loạn, để LDL-Cholesterol (mỡ máu xấu) không bị tăng lên. Đồng thời, kiểm soát tốt huyết áp, huyết áp,... Từ bỏ thuốc lá nếu bạn là người hút thuốc. Chính tất cả những điều đó là điều chỉnh yếu tố nguy cơ gây bệnh thiếu máu cơ tim.

Muốn nhận biết được cơn đau thắt ngực trong bệnh thiếu máu cơ tim, bạn cần thường xuyên lắng nghe, theo dõi cơ thể mình, sớm phát hiện những bất thường để đi khám và phát hiện kịp thời, tránh những rủi ro không mong muốn, để có một trái tim khỏe mạnh.

Biên tập bởi: cardocorz.vn

 

02439036266